Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng của người mẹ đơn thân

Học hỏi bí quyết kinh doanh nhà hàng từ Gordon Ramsay
April 2, 2016
Nghĩ khác như một quản lý nhà hàng tài giỏi
April 2, 2016
Hiển thị tất cả

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng của người mẹ đơn thân

Kinh doanh nhà hàng là một trong những lĩnh vực khó khăn và không phải cứ có tiền là làm được. Nhưng nếu bạn thật sự cố gắng, dám dấn thân và trải nghiệm, nỗ lực tìm tòi và học hỏi thì ước mơ sở hữu một nhà hàng của riêng mình không phải là viển vông.

Hôm nay, Smart Goal xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về chặng đường mở nhà hàng của một người mẹ đơn thân được đăng tải trong cuốn sách “Triệu phú thầm lặng”. Hy vọng qua câu chuyện này, bạn – người có đam mê kinh doanh, quản lý nhà hàng sẽ rút ra được những bài học bổ ích trong lĩnh vực kinh doanh nói chung và kinh doanh nhà hàng nói riêng.

Bước ngoặt cuộc đời

Sutinah là bà mẹ của 5 đứa con thơ. Cô mất việc sau khi chồng bị bắt giam vì tội tàng trữ ma túy, cô cũng bị bắt giam ngay sau đó. Buồn bã, xấu hổ và tức giận ê chề khiến cô gần như ngã quỵ, không thể vực dậy bản thân. Nhưng, cô còn phải kiếm sống để có thể trang trải cuộc sống cho mình và các con.

Sau khi được trả tự do, cô sống cùng những lời dị nghị của làng xóm láng giềng, và chật vật tìm việc. May thay, bà Jainah – người hàng xóm tốt bụng, đã giới thiêu cô vào làm việc tại một nhà hàng nhỏ trong làng. Công việc khá cực nhọc và kéo dài từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nhưng cô rất cố gắng và kiếm được 20RM mỗi ngày.

Nhà hàng được bố trí hài hòa và thân thiện tạo nên không gian vô cùng dễ chịu. Thực đơn gồm những món ăn Malay phổ biến cùng lợi thế về đồ uống luôn đổi mới, sáng tạo khiến nhà hàng thu hút lượng lớn khách hàng.

Sutinah vừa làm việc vừa học hỏi và quan sát mọi người xung quanh. Cô nhận ra bà chủ Hajah Salmah là một người nghiêm khắc nhưng có tài ăn nói, luôn hỗ trợ nhân viên làm việc, Kamariah nhân viên pha chế đồ uống luôn nghiên cứu để tạo ra những loại đồ uống mới, sáng tạo và phù hợp với món ăn nhà hàng, còn Jemain, cậu cháu trai của bà chủ, dù là người có bằng cấp, nhưng Jemain đã chọn gắn mình với những chiếc bánh kếp vì tình yêu với nghệ thuật nấu ăn và đam mê kinh doanh. Nhân viên ở đây luôn tỏ ra vui vẻ và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Tất cả những điều này làm cho Sutinah cảm thấy được làm việc ở đây thật dễ chịu.

Với lòng ngưỡng mộ và ấn tượng trước thành công của Hajah Salmah, cô luôn thầm nghĩ, “Mình muốn được như bà ấy!”. Vì vậy, cô vừa làm vừa học hỏi các kỹ năng cần thiết và sống tằn tiện tiết kiệm tiền để thực hiện ước mơ của mình. Đây là lần đầu tiên trong đời cô chú tâm đến thế và khát khao muốn làm một điều gì đó tích cực đến thế. Cô kiên quyết, không chần chừ hay do dự.

kinh-nghiem-kinh-doanh-nha-hang-cua-nguoi-me-don-than1

Bước vào thế giới mới

Sutinah học mọi thứ rất nhanh. Cô không chỉ muốn học nấu tất cả các món ăn của cửa hàng mà cả cách điều hành và quản lý kinh doanh. Khát khao học hỏi luôn cháy bỏng trong cô và để hiện thực hóa nó, cô đã chính thức đăng ký tham dự khóa học của Đầu bếp Li ở Muar với số tiền tiết kiệm được. Sutinah nghiêm túc suy nghĩ tới việc kinh doanh popia basah và keropok lekor, 1 tháng sau khi tham gia khóa học. Cô đã suy nghĩ rất kỹ. Cô có 1.000 RM vốn để bắt tay kinh doanh nhưng chưa tìm được địa điểm phù hợp.

Tuy nhiên, cô vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại của mình với mức thù lao phù hợp và bữa trưa miễn phí. Thậm chí cô còn được gói đồ ăn thừa về nhà để ăn tối. Sau khi tham khảo ý kiến bà Jainah, cô bán popia basah vào một vài tiếng buổi tối mỗi ngày ở chợ đêm sau khi kết thúc giờ làm.

Cô đã đi khảo sát khu vực chợ đêm gần nhất để tìm một chỗ trống để bán hàng. Sau quá trình tìm hiểu giấy phép, thủ tục hoạt động cô bắt tay vào làm thử popia, mời hàng xóm ăn thử và xin phản hồi. Cô muốn món bánh của mình phải thật hoàn hảo và thu hút được những thực khách dù khó tính nhất. Sutinah cảm thấy vô cùng vui sướng. Cô như đã tìm lại được chính mình và háo hức khi biết rằng cô đang đến rất gần ước mơ kinh doanh mà cô hằng khao khát.

Khởi đầu mới của cô bán popia hàng tối, từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm. Cô thức dậy khá sớm để chuẩn bị nguyên liệu cho buổi bán hàng, cho đồ vào tủ lạnh trước khi đi làm ở cửa hàng. Nguyên liệu rất đơn giản, chỉ gồm vỏ bánh popia (chả giò), nhân nhồi và tương ớt, mỗi thứ được cô sắp xếp rất sạch sẽ vào từng túi riêng. Sau đó chỉ việc sắp nguyên liệu vào và cuộn lại thành đồ ăn nhẹ tại nơi bán hàng. Chẳng bao lâu, popia “thương hiệu Sutinah” đã được lan truyền khắp thị trấn.

Ngày đầu tiên ở chợ đêm, cô đã bán hết sạch hàng chỉ trong 2 tiếng rưỡi và kiếm được 66RM. Những ngày sau đó, lượng bột bắt đầu tăng lên và cũng bán sạch. Khi nhận ra mình không thể tự kiểm soát từ khâu chế biến đến khâu bán hàng cô đã nhờ mẹ và em gái giúp đỡ. Ba người đã cùng nhau xử lý hết 6kg bột nổi mỗi ngày một cách dễ dàng. Và, họ thu về số tiền lên tới 200 RM.

Sau 6 tháng bán hàng bán thời gian, cô đã mạnh dạn nghỉ việc và mở hàng cả ngày. Càng ngày cô càng tự tin và quyết định bán thêm món keropok lekor nữa. Sau đó, cô còn thuê thêm một người Indonesia giúp việc, người này đã từng làm việc tại một nhà hàng khác nên rất nhanh nhẹn và thạo việc.

Nhờ có thêm món mới, doanh thu của cô tăng lên 300 RM mỗi ngày. Sự thân thiện, chăm chỉ và thái độ cầu tiến của Sutinah được mọi khách hàng và nhiều chủ hàng trong chợ biết đến. Người ủng hộ không ít, nhưng ghen tị với cô cũng nhiều, thay vì phản kháng hoặc nói lại, cô bình tĩnh đón nhận, giữ im lặng và tiếp tục với công việc của mình. Bởi cô hiểu rằng, dù có làm gì đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những thị phi.

Tiếng tăm của cô đã sớm giúp cô nổi tiếng không chỉ ở khu chợ này mà nhiều khách hàng ở các khu chợ khác cũng tìm đến mua hàng. Cô đã chuyển qua bán hàng vào cả ngày thay vì cả ngày lẫn đêm như trước để dành các buổi tối chuẩn bị nguyên liệu cho sáng hôm sau và có thời gian chăm sóc các con.

Món keropok lekor của cô ngày càng được lòng thực khách và lượng bán ra tăng lên đáng kể, đặc biệt từ sau khi cô giới thiệu món nước sốt tự làm tại khu chợ. Những người bán keropok lekor khác rất muốn lấy hàng của cô về bán thêm ở gian hàng của họ nhưng cô đã lịch sự từ chối bởi cô cho rằng hiện giờ cô chỉ muốn làm ăn ở quy mô nhỏ mà thôi.

Doanh thu của cô đã tăng lên khoảng 300 – 600 RM một ngày. Cô đã thuê một gian hàng lớn hơn ở khu thực phẩm chính trong chợ và quyết định bán thêm sữa đậu nành và tào phớ. Dù rất bận rộn, nhưng cô vẫn dành thời gian tham gia khóa học của Đầu bếp Li về cách làm các món từ đậu tương.

Cô luôn cố gắng hoàn thiện bản thân và không ngừng sáng tạo trong công việc của mình. Cô còn lấy được bằng lái xe sau 2 tháng tham gia khóa học. Cô đã tự thưởng cho mình một chiếc xe giá 6.000 RM để tiện cho việc chở mọi người đến chợ hàng ngày và đi lấy hàng.

Dù bận rộn nhưng cô vẫn quản lý rất tốt. Sắp xếp giữa công việc và chăm sóc con cái. Cô đã trả được hết nợ và còn tiết kiệm được 15.000 RM. Cô quyết định chuyển tới một căn nhà lớn hơn với khoảng sân rộng, rất thích hợp để làm và bán món keropok lekor. Cô cũng dành riêng một khu trong nhà để 3 người giúp việc có thể ở, tiện cho công việc.

kinh-nghiem-kinh-doanh-nha-hang-cua-nguoi-me-don-than2

Điều bất ngờ dễ chịu

Một hôm, Sutinah nhận được một cuộc điện thoại từ Hajah Salmah. Bà đề nghị gặp cô tại một quán cà phê trong thị trấn. Lúc này, Hajah Salmah đã coi cô là một đối tác làm ăn chứ không còn là cô nhân viên ngày nào còn làm tại nhà hàng của bà.

Hajah Salmah đi thằng vào vấn đề, “Đó là điều tôi muốn bàn bạc với cô. Tôi đang tính sẽ nhượng lại nó. Nó đã gắn bó với tôi trong rất nhiều năm qua. Vì vậy, tôi muốn nhượng lại cho người thân quen. Tôi tin cô sẽ quản lý nó tốt.”

Sutinah đã xử lý tình huống rất tinh tế. Cô đã tự cho mình thời gian để cân nhắc hơn trước một quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời mình – cơ hội này có thể được coi là cơ hội hiếm có trong đời. Kỳ thực, Sutinah đã có quyết định rồi, nhưng dù vậy cô cũng không cho phép mình hấp tấp và thể hiện sự vui mừng quá sớm. Cô phải nghiên cứu tình hình, quan sát, hỏi thêm ý kiến của mọi người thật chắc chắn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Những cuốn sách tạo động lực cô từng đọc, những khóa học cô từng tham gia đã dạy cô rất nhiều điều. Trong số đó, cô đã học được cách không vội vã khi đưa ra quyết định, cho bản thân thêm thời gian suy nghĩ, để cân nhắc kĩ lưỡng những thuận lợi và khó khăn tiềm năng.

Hajah Salmah rất ấn tượng trước cách hành xử của Sutinah trong buổi thương lượng đó. Cô ấy không còn là người giúp việc rụt rè của bà ngày nào. Chắc hẳn, nhờ những khóa học cô tham dự, những cuốn sách cô đọc và cả trải nghiệm cuộc sống trên thương trường và những người cô làm việc cùng, tiếp xúc và trao đổi, cô đã trở thành một người hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, nếu là một người kém cỏi, họ thậm chí có thể sẽ nhảy lên, hò hét và tỏ rõ sự vui mừng tột độ trước một đề nghị như vậy. Tuy nhiên, Sutinah đã hành xử ngược lại, cô từ tốn và suy xét thận trọng trước quyết định quan trọng của cuộc đời mình.

Tối hôm đó, cô họp với mọi người và hỏi liệu họ có thể tiếp tục công việc kinh doanh tại chợ đêm như hiện tại mà không có cô không và trình bày kế hoạch kinh doanh nhà hàng mới của mình. Tất cả mọi người làm đều rất kính trọng và ngưỡng mộ sự nhạy bén với khả năng tìm kiếm các cơ hội mới của cô. Họ đều cho rằng nhất định cô sẽ thành công hơn nữa.

Khởi đầu một kỷ nguyên mới

Nửa tháng sau, Sutinah bắt đầu công việc tại cửa hàng và đánh dấu một chương trình mới trong cuộc đời mình. Tên gốc của cửa hàng được giữ nguyên – Warung Selera Mak Jah. Sutinah biết rằng cái tên này mang một ý nghĩa đặc biệt và vì thế cô đã giữ lại nó. Tất cả những chi nhánh sau này của cô cũng sẽ mang tên này.

Một tuần trước đó, cửa hàng được đóng cửa để nâng cấp. Tất cả các trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ đều được làm sạch và sắp xếp lại. Kamariah vẫn làm việc ở đây và Jemain vẫn tiếp tục kinh doanh món roti canai như thường lệ. Sutinah thậm chí còn gợi ý Jemain bán thêm vào thực đơn các món Thái và đồ tây cho bữa tối. Cô đã tham gia khóa đào tạo và biết thêm nhiều món ăn tây để có thể phục vụ khách. Cửa hàng được sơn lại, bổ sung những chiếc đèn trang trí đủ màu sắc trông lung linh hơn vào buổi tối.

Chiếc gara cũ ở cạnh nhà hàng đã được chuyển thành một bãi đỗ xe rộng rãi. Cô đã giải quyết được cảnh chờ xếp hàng vào bãi đậu xe trước đây và tạo sự thuận tiện cho khách hàng khi ăn tối tại cửa hàng. Với sự hướng dẫn của Hajah Salmah trước khi bà ra nước ngoài, cô cũng dành khoảng thời gian này để học về cách mở và duy trì phần mềm thanh toán tại cửa hàng.

Công việc kinh doanh cũng phát đạt hơn kể từ đó. Niềm say mê cùng lòng nhiệt huyết của cô vẫn không hề thay đổi, những ý tưởng cải tiến cô đưa ra luôn được các nhân viên hào hứng đón nhận. Cô là một nhà lãnh đạo bẩm sinh và luôn đối xử tốt với nhân viên của mình, đổi lại, mọi người ai cũng kính trọng cô.

Sutinah đã tới

Sau 5 năm, Sutinah đã thực hiện được giấc mơ trở thành doanh nhân thành đạt. Hiện cô đang sở hữu một xưởng sản xuất các loại thực phẩm đa dạng, nhưng popia basah vẫn là món nổi tiếng nhất. Cô có gần 20 nhân viên dưới quyền – một nửa số đó làm tại xưởng, số còn lại vẫn tiếp tục kinh doanh tại chợ đêm, mở được thêm 4 gian hàng ăn khác bên cạnh gian đầu tiên mà gần đây vừa được nâng cấp lên thành nhà hàng. Cô cũng bạo dạn đầu tư vào kinh doanh dịch vụ ăn uống lấy tên là Tina Catering (Dịch vụ hàng ăn Tina).

Quan hệ xã hội của cô cũng có sự thay đổi đáng kể. Cô được mời trở thành diễn giả trong các khóa học tạo động lực dành cho phụ nữ, đặc biệt là những bà mẹ đơn thân. Cô cũng xuất hiện trên nhiều tạp chí và là khách mời thường xuyên của các chương trình trò chuyện trên đài. Cô hài lòng với lối sống hiện tại và mục tiêu của cô là đảm bảo tương lai lâu dài của con cô.

Cuộc đời và con đường kinh doanh nhà hàng của Sutinah đã mang đến cho chúng ta nhiều bài học quý giá, không chỉ áp dụng trong kinh doanh mà còn hữu ích trong cuộc sống thường ngày. Sau khi đọc câu chuyện trên, bạn có thể nhận thấy những bài học bổ ích sau:

– Không bao giờ bỏ cuộc một cách dễ dàng dù có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa. Chúng ta phải tự đối mặt với những thử thách trong cuộc sống – với niềm tin, nghị lực sức khỏe và khát khao chiến thắng bản thân

– Chọn loại hình kinh doanh phù hợp. Điều quan trọng nhất là bạn phải có kỹ năng, tâm huyết và yêu thích những gì đang làm. Nắm vững các bí quyết kinh doanh trước khi bắt đầu. Sau khi quyết định, hãy tập trung, cam kết và nỗ lực hết mình đồng thời không ngừng học hỏi.

– Chọn hình mẫu lý tưởng để làm gương và thước đo thành quả của bản thân. Người đó có thể hoạt động cùng ngành hoặc không.

– Nỗ lực kinh doanh thôi không đủ để đảm bảo thành công. Chìa khóa để trở thành triệu phú là biết cách sử dụng đồng tiền và đầu tư đúng cách. Thà keo kiệt còn hơn phóng túng, chi tiêu bừa bãi.

– Coi trọng những người xung quanh và những người làm việc cho bạn bởi họ đều có vai trò riêng trên con đường dẫn đến thành công của bạn. Và biết đâu, trong một tương lai không xa, họ sẽ trở thành cộng sự, đối tác của bạn.