Quản lý nhà hàng: Những nghịch lý trong kinh doanh

Nghiệp Vụ Nhà Hàng – Kỹ Năng Phục Vụ Khách Hàng Hiệu Quả
April 2, 2016
TUYỂN NHÂN VIÊN SEO
April 2, 2016
Hiển thị tất cả

Quản lý nhà hàng: Những nghịch lý trong kinh doanh

Nhìn vậy mà không phải vậy, có những điều ai cũng nghĩ giống nhau nhưng sự thật lại chứng minh ngược lại. Những nghịch lý ấy luôn tồn tại, và quản lý nhà hàng – bạn phải nắm rõ điều đó để hành động đúng đắn.

An toàn không hẳn là tốt

Trong phần lớn hoàn cảnh, việc phá cách sẽ mang đến những thay đổi không cần thiết, đôi khi còn kèm theo sự nguy hiểm. Nhưng sự thật là, việc tránh xa rủi ro không hề đảm bảo cho bạn một con đường bằng phẳng hơn. Đôi khi thuận theo đa số sẽ không mang lại kết quả tốt, nhất là trong kinh doanh nhà hàng, cơ nghiệp của bạn sẽ bị bão hoà trong đám đông được “nhân bản” ấy. Là quản lý nhà hàng hãy mạnh dạn nghĩ khác làm khác.

Chọn cách kinh doanh an toàn là quản lý nhà hàng đã tự thoả hiệp với thất bại. Một nhà hàng đại chúng, có thể tìm thấy nhan nhản ở bất cứ đâu, điều gì sẽ lôi kéo thực khách đến với bạn. Sống quá lâu với sự an toàn sẽ làm bạn mất cảnh giác, nhà hàng của bạn có thể bị vượt mặt bất kì lúc nào. Khi tư duy kinh doanh không còn nhạy bén là lúc quản lý nhà hàng đã đặt chân sang miền thất bại.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một chú khỉ bị kẹt tay trong cái lỗ nhỏ do nắm chặt quả chuối. Chỉ cần buông là nó có thể rút tay ra khỏi cái lỗ ấy. Cũng giống như chú khỉ ấy, quản lý nhà hàng cảm thấy an toàn khi nắm rõ một điều gì đó, nhưng thực ra nó lại đang cản trở việc kinh doanh của chính bạn. Lối kinh doanh quen thuộc, bạn rành rẽ về nó nhưng hãy thay mới nó khi thời cuộc chuyển biến. Tự đào thải là quy luật tự nhiên, nếu cứ chọn lối đi an toàn sớm muộn bạn cũng sẽ rời khỏi cuộc đua.

Tham khảo thêm bài viết Kinh doanh nhà hàng: Hãy trở thành kẻ thức thời

Thất bại là mẹ thành công

Câu thành ngữ quá quen thuộc, nhưng các quản lý nhà hàng luôn cố trốn tránh “cơ hội” để được nghe an ủi bằng câu nói này. Bởi khi đó là lúc bạn đã gặp thất bại khi kinh doanh nhà hàng. Hậu quả của thất bại đối với nhà quản lý là khó nói, bạn có thể mất việc nếu bạn chỉ là người được thuê hay là kẻ phá sản nếu bạn kiêm sở hữu nhà hàng.

Tuy nhiên, khi thất bại cũng là lúc quản lý nhà hàng nhận ra sai lầm của mình, dù có thể muộn màng nhưng bạn vẫn có cơ hội để bắt đầu lại. Với điều kiện bạn vẫn còn có đủ đam mê và nhiệt huyết. Trong cuộc sống mấy ai thành công mà chưa từng vấp ngã. Steve Job đã thất bại nhiều lần trước khi xây dựng được đế chế Apple hùng cường. Và bạn cũng sẽ không có cơ hội đọc Harry Porter nếu văn sĩ J.K.Rowling từ bỏ công việc khi bị các nhà xuất bản từ chối.

Hãy biết trao quyền

Quản lý nhà hàng luôn muốn kiểm soát mọi hoạt động. Đôi khi tính kiểm soát đi quá xa dẫn đến việc nhân viên cảm thấy bức bối trong một môi trường làm việc đầy áp lực. Còn bạn chẳng có đủ thời gian chăm lo những việc khác ngoài quẩn quanh trong nhà hàng xem xét mọi thứ.

Hơn thế với tâm niệm của một chủ kinh doanh bạn luôn lo lắng nếu rời mắt, “đứa con tinh thần” của bạn sẽ sa sút. Cũng là điều dễ hiểu, nhưng bạn mở một nhà hàng để nó kiếm tiền cho bạn, chứ không phải khiến bạn trở thành máy kéo cày.

Nếu không an tâm về vấn đề nhân sự thì là lỗi của quản lý nhà hàng. Bạn nên đưa ra chỉ tiêu khi tuyển dụng để làm căn cứ tìm kiếm ứng viên sáng giá. Thường xuyên tiếp xúc với nhân viên sẽ giúp bạn đánh giá chính xác và tìm ra người thay thế phù hợp. Đầu tiên hãy giao cho họ tự quyết những việc đơn giản và sau đó nâng dần mức độ phức tạp. Bạn chỉ nên nắm quyền kiểm soát chung nhất, bằng cách này nhân viên của bạn sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm và có điều kiện phát triển bản thân.

Học, học nữa, học mãi

Núi cao vẫn có núi cao hơn, dù cho bạn có đang là chủ sở hữu một nhà hàng phát đạt cũng không có gì đảm bảo điều này sẽ kéo dài bao lâu. Giữ một tinh thần cầu tiến, luôn luôn học hỏi bạn sẽ nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức mới và biết cách phù hợp hoá với nhà hàng của mình. Điều này giữ cho nhà hàng của bạn luôn phát triển khi thị trường thay đổi.

Trong tiếng anh, sự ngu dốt là “ignorance”, nghĩa gốc của nó được suy ra từ “ignore” là làm bộ không biết. Nếu bạn lờ đi sự thiếu hiểu biết của mình thì một ngày nào đó khách hàng cũng sẽ lờ đi nhà hàng của bạn.

Vậy đấy, phấn đấu để đạt thành công, nhưng quản lý nhà hàng sẽ không có thời gian ngơi nghỉ với thành quả ấy. Bạn sẽ càng phải nỗ lực hơn thế để duy trì danh tiếng của nhà hàng. Leo dốc khó hơn trượt dốc vô cùng. Vượt qua giai đoạn setup nhà hàng bạn sẽ phải tiếp tục thúc đẩy và duy trì thành công. Kinh doanh nhà hàng vốn là cuộc đua mà chẳng có điểm đích.

Ngoại hình luôn là yếu tố quan trọng

Tài năng mới là điều cốt yếu, ngoại hình chỉ là thứ yếu. Thật vậy sao? Không hẳn hoàn toàn đúng, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Khách hàng sẽ có thiện cảm hơn với nhà hàng của bạn khi có những nhân viên sáng láng, luôn là như vậy. Con người luôn hướng đến cái đẹp, đó là điều thuộc về bản năng. Thực khách ngày nay chi tiền không chỉ đơn thuần để thưởng thức món ăn, mà họ còn muốn cảm nhận không gian, sự tận tình của nhân viên nhà hàng. Và một nhân viên có ngoại hình tốt sẽ không phá hỏng cảm nhận của khách hàng. Đó là một điều chắc chắn.

Một nhân viên cần nhất là được việc, nhưng nếu họ tài giỏi đến mức mọi người không quan tâm đến ngoại hình thì họ cũng chẳng làm thuê cho nhà hàng của bạn đâu. Ngoại hình ở đây không chỉ bao gồm vẻ đẹp bên ngoài mà còn tính đến tác phong, trang phục bởi những yếu tố này cũng giúp đánh giá tính cách. Dó đó, quản lý nhà hàng nên chú ý đến vấn đề ngoại hình khi tuyển chọn nhân viên, đặc biệt là nhân viên phục vụ.

Theo đó, quản lý nhà hàng cũng phải thực sự chăm chút cho chính bản thân mình. Nhà hàng bận rộn không có nghĩa là bạn được quyền bỏ bê bản thân. Bạn không biết khi nào sẽ phải diện kiến “thượng đế” nên hãy luôn chỉn chu trong mọi hoàn cảnh.

Với những chia sẻ trên đây, Smart Goal hy vọng bạn đã hiểu thêm về kinh doanh nhà hàng. Chúc bạn sớm thành công!