Kinh doanh nhà hàng là ngành “hái ra tiền” nhưng cũng là một trong những lĩnh vực khiến tiền bạc của bạn “đội nón ra đi” nhanh nhất. Nhìn từ bề nổi, bạn thấy nhiều nhà hàng hiện nay làm ăn rất phát đạt, lượng khách ra vào tấp nập nhưng lợi nhuận của họ thu về không được bao nhiêu. Bạn cho rằng như vậy có phải là thành công?
Theo thống kê 80% các nhà hàng phải đóng cửa sau 03 năm; 10% các nhà hàng tồn tại mang tính chất duy trì và chỉ có 10% nhà hàng thành công đúng nghĩa sau 03 năm kinh doanh. Tại sao lại có đến 80% nhà hàng phá sản? Hãy cùng Smart Goal tìm hiểu những lý do khiến việc kinh doanh nhà hàng của bạn tụt dốc không phanh qua chuỗi bài phân tích sau.
Vấn đề đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến khiến nhà hàng bạn rơi vào bẫy phá sản chính là “Ý tưởng kinh doanh chưa hoàn thiện”.
Ý tưởng kinh doanh là một phần quan trọng trước khi bạn bắt tay vào kinh doanh nhà hàng hay quán cafe của riêng mình. Mọi ý tưởng đều đáng quý nhưng không phải ý tưởng nào cũng mang lại thành công cho nhà hàng của bạn.
Bạn có thể nghĩ ra ý tưởng bất kì khi đang đi du lịch, khi ngồi trò chuyện với bạn bè, hoặc ngay khi bạn đang ăn tại một nhà hàng nào đó. Ngay khi có ý tưởng, bạn liền nghĩ ngay đến việc thực hiện nó, nhưng liệu ý tưởng đó có khả thi? Bạn đã nghĩ đến điều đó chưa?
Có rất nhiều chủ đầu tư có những ý tưởng kinh doanh hay nhưng không tính đến tính khả thi của ý tưởng. Cũng có những ý tưởng khả thi nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, chủ nhà hàng lại không biết cách điều chỉnh theo xu hướng thị trường.
Những ý tưởng đó sẽ khiến nhà hàng bạn nằm trong số 80% thất bại kia. Một ý tưởng kinh doanh tốt là phải tính toán được độ khả thi và luôn có kế hoạch dự phòng cho những phát sinh trong quá trình thực hiện.
Khi bạn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng, điều đầu tiên bạn quan tâm là ý tưởng độc đáo và có tính khả thi hay không. Liệu rằng, sau ngày khai trương, thị trường có đón nhận ý tưởng nhà hàng của bạn.
Những phản hồi của khách hàng chính là tính khả thi của ý tưởng. Nếu họ bị thu hút, khen ngợi nhà hàng bạn thì chúc mừng, bạn đã thành công một nửa. Ngược lại, nếu quá nửa khách hàng không hứng thú, có lẽ bạn cần xem xét lại ý tưởng kinh doanh của mình.
Vậy làm sao để xác định xem ý tưởng kinh doanh nhà hàng đó có khả thi hay không? Có rất nhiều cách để xác định, nhưng cách đơn giản và an toàn nhất chính là chủ nhà hàng nên hiện thực hóa ý tưởng đó ở quy mô thử nghiệm trước khi tung ra thị trường.
Thử nghiệm ở đây có thể là mời những người dân quanh khu vực mở nhà hàng đến ăn thử và trải nghiệm dịch vụ nhà hàng, sau đó lấy ý kiến làm tư liệu nghiên cứu. Nếu 60% khách hàng hài lòng thì bạn đã có thể bắt tay vào setup nhà hàng.
Một cách nữa cũng khá hiệu quả trong việc xác định tính khả thi của ý tưởng lại vừa có tác dụng quảng bá nhà hàng trước khi nhà hàng đi vào hoạt động là phát sản phẩm dùng thử cho khách hàng.
Một chủ nhà hàng ở Hà Nội đã cử nhân viên đến gõ cửa từng nhà khách hàng và mang món ăn mời họ dùng thử, sau đó nhận được phản hồi nhiệt tình của khách hàng về mùi vị, kiểu dáng, màu sắc và mong muốn của họ về món ăn đó. Để từ đó, có những điều chỉnh cho phù hợp. Cách làm này có phần tốn kém nhưng hiệu quả thu về khá cao. Một nhà hàng thành công được hình thành từ trước khi nó ra đời.
Bạn có một ý tưởng tốt nhưng lại định vị sai nhu cầu của khách hàng thì quả là điều đáng tiếc. Những điều mà bạn thích chưa hẳn là điều mà khách hàng muốn. Nhiều chủ đầu tư, quản lý nhà hàng thường tự lên thực đơn nhà hàng theo cảm tính, phỏng đóan mà không căn cứ vào điều tra thị hiếu thực tế.
Hãy nhớ kinh doanh nhà hàng là ngành dịch vụ và khách hàng chính là thượng đế. Thay vì chỉ làm theo sở thích cá nhân, sao bạn không đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”?
Để có thể tồn tại và phát triển, nhà hàng bạn cần cung cấp những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thực khách và giải quyết được những vấn đề của họ. Thực khách cần gì? Một phong cách phục vụ thân thiện, những món ăn ngon và chất lượng, giá thành không quá cao, không gian rộng rãi…? Nếu đáp ứng được những nhu cầu đó, không lý gì nhà hàng của bạn lại thất bại.
Tuy nhiên, hãy phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Nhu cầu là cái con người cần và phải có, còn mong muốn là nhu cầu được tác động bởi văn hóa và tính cách cá nhân con người.
Ví dụ như, một người vào siêu thị để mua bột giặt, nhưng khi bước ra khỏi cửa lại thấy cô ấy xách thêm rất nhiều hàng hóa khác như quần áo, hoa quả, đồ dùng cá nhân. Bột giặt chính là nhu cầu của vị khách đó và đã được xác định trước khi đến siêu thị. Còn những hàng hóa khác thể hiện mong muốn của vị khách đó, nó phát sinh trong quá trình cô ấy đi vòng quanh siêu thị tìm bột giặt.
Điều này cho thấy, nếu nhà hàng bạn không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn có thể thỏa mãn những mong muốn của họ thì số tiền thực khách chi trả cho hóa đơn nhà hàng sẽ tăng lên ngoài sức mong đợi của chủ đầu tư.
Nhưng có một điều chủ nhà hàng cần nhớ, con người luôn luôn không thấy thỏa mãn với những gì mình có, kỳ vọng của họ sẽ tăng lên từng ngày. Có một mẹo nhỏ trong marketing thế này “hãy giảm kỳ vọng của khách hàng xuống, sự thỏa mãn sẽ tăng lên”. Nó cũng có thể áp dụng trong kinh doanh nhà hàng. Việc này cần có sự tính toán và xử trí khéo léo, vì nếu làm không tốt có thể bạn sẽ mất khách hàng tiềm năng.
Một ý tưởng kinh doanh nhà hàng có thành công hay không phụ thuộc vào nhu cầu xã hội đang cần ý tưởng đó đến đâu. Nếu một sản phẩm tốt, lại có tính khả thi, nhưng ý tưởng kinh doanh đó đem về lợi nhuận lớn cho nhà hàng thì nhu cầu cho sản phẩm đó phải cao.
Thật không thích hợp khi bạn có ý tưởng thành lập một nhà hàng sang trọng với giá thành món ăn cao mà lại mở ở tỉnh nhỏ – nơi người dân chỉ chi trả với mức bình dân. Thử hỏi khi đó, nhà hàng bạn có được bao nhiêu khách hàng vào ăn?
Để tránh gặp rủi ro trong kinh doanh nhà hàng, bạn cần khảo sát xem thị trường cần cho sản phẩm đó ở mức độ nào, phạm vi ra sao. Hãy nghiên cứu thị trường từ những số liệu thống kê có sẵn, hoặc sử dụng các công cụ internet nghiên cứu thị trường để phân tích số lượng người đang quan tâm tới sản phẩm và dịch vụ của nhà hàng bạn.
Ở bài sau, Smart Goal sẽ chia sẻ cùng bạn lý do thất bại từ việc lên kế hoạch kinh doanh nhà hàng. Hãy đón đọc!