Kinh doanh nhà hàng: Khó nhất là chỗ giữ xe

Kiểm soát Order và Bill trong kinh doanh nhà hàng như thế nào ?
April 1, 2016
Kinh doanh nhà hàng, vì sao thất bại?
April 1, 2016
Hiển thị tất cả

Kinh doanh nhà hàng: Khó nhất là chỗ giữ xe

Các nhà kinh doanh nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới ở Sài Gòn không chỉ đối mặt tình trạng giá thuê mặt bằng tăng, còn rất khó tìm các vị trí kinh doanh phù hợp.

Bãi giữ xe miễn phí của nhà hàng tiệc cưới Sinh Đôi phải cách xa nơi đãi tiệc gần cả trăm mét. Còn khách tự gửi xe gần nơi đãi tiệc thì phải tốn từ 5.000 – 10.000đ tuỳ vào thời điểm. Ảnh: Hồng Thái

Theo bà Nhan Kim Loan, giám đốc cụm nhà hàng tiệc cưới Phong Lan, nếu những mặt bằng thuê đã đủ điều kiện về xây dựng cơ bản, thì chủ đầu tư vẫn phải bỏ tiền sửa chữa trang trí nội ngoại thất, mua sắm trang thiết bị… Một nhà hàng tiệc cưới một sàn chứa được 30 bàn, các trang thiết bị chỉ ở chất lượng trung bình thì nhà đầu tư cũng phải mất 2,5 – 3 tỉ… Tính theo một mặt sàn nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 6 tỉ đồng cho năm đầu tiên vừa mở nhà hàng. Tối thiểu nhà hàng mỗi tháng doanh thu phải 600 triệu thì mới có thể bảo đảm trang trải đủ chi phí.

Theo bà Loan, phải có tiềm năng về tài chính để trụ lại được trong hai ba năm. Đầu tư lớn và dài hơi như thế, nên nhà đầu tư phải rất cẩn trọng khi chọn địa điểm.

Kén địa điểm?

Theo ông Nguyễn Hùng, một người làm môi giới mặt bằng, giới kinh doanh nhà hàng hoặc cà phê hiện nay cần mặt bằng từ 250m2 trở lên, để sau khi trừ diện tích để làm bếp, văn phòng, kho… thì phần còn lại mới có thể tạm đặt được đủ số bàn phục vụ khoảng 150 – 200 khách. Riêng đối với nhà hàng tiệc cưới thì phải lớn hơn khoảng trên dưới 300m2, vì sau khi trừ các khu vực phục vụ như nói trên và sân khấu thì diện tích còn lại phải có thể đặt được 30 bàn tiệc vì đa số các tiệc cưới hiện nay có số bàn trung bình từ 20 – 30 bàn.

Nếu diện tích mặt bằng không đủ lớn sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh, không nhận được tiệc do thiếu chỗ chứa khách. Còn những mặt bằng có sức chứa cùng lúc 500 khách, có thể tổ chức nhiều tiệc nhỏ, thì rất khó tìm, nếu có thì giá rất cao vì hầu hết chủ mặt bằng đều đã khai thác làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê…

Giá mặt bằng mở nhà hàng hiện lệ thuộc vào các yếu tố như gần trung tâm thành phố đến mức nào, yếu tố “thị tứ” của mặt tiền, thuận tiện đi lại, đường có được phép đậu xe hay không. Hai năm trước, mặt bằng mở quán ở khu vực quận 3, quận 1 khoảng 100 – 120 triệu đồng/tháng, nay đã tăng lên đến 200 triệu/tháng nhưng muốn tìm ở khu quận 3, quận 1 cũng hiếm có. Ở các quận khác như 5, 10, Phú Nhuận thì giá có giảm đôi chút, khoảng 70 – 80 triệu/tháng, còn các quận 6, 11, Bình Thạnh, Tân Bình thì giá khoảng 50 – 60 triệu/tháng.

Theo ông Hùng, với mặt bằng càng rộng, thời gian thuê mướn càng dài, tối thiểu phải năm, sáu năm thì chủ đầu tư mới dám đầu tư.

Và vấn nạn chỗ đậu xe

Các nhà đầu tư nhà hàng đều cho rằng, hiện nay họ lo nhất là chuyện chỗ để xe. Mặt bằng cho dù tốt đến đâu đi nữa nhưng không có chỗ để xe cho khách thì không thể hút đủ khách để đảm bảo doanh số. Diện tích chỗ để xe phải tương ứng với diện tích mặt bằng mở nhà hàng, tức chi phí cho mặt bằng giữ xe cũng khá lớn, trong khi phí thu vào từ việc gửi xe khá thấp.

Theo Cẩm Nguyên, trưởng phòng kinh doanh tiếp thị nhà hàng Lion thuộc cụm khách sạn Quê Hương. quy mô nhà hàng Lion vào những ngày cao điểm tiệc cưới có thể tiếp 1.000 khách, do đó giải quyết chuyện để xe là điều quan trọng. Hiện nay các nhà hàng thường phải chọn giải pháp “chữa cháy” là liên kết các đơn vị gần kề như nhà hàng bạn, cơ quan, nhà dân cư trong khu phố, các nơi này sẽ là chỗ để xe. Có nơi phải tặng phiếu gởi xe hoặc giữ xe không tốn tiền cho chủ tiệc cưới nhằm khắc phục khuyết điểm chỗ để xe xa nhà hàng.

Theo một số người môi giới mặt bằng, ở một số khu vực đông đúc dân cư như Phú Nhuận, Gò Vấp, các nhà đầu tư thỏa thuận thuê chỗ giữ xe trước khi thuê mặt bằng chính làm nhà hàng. Và chỗ giữ xe trở thành lợi thế “bí mật” của nhà đầu tư nhà hàng trong đàm phán giá thuê mặt bằng chính…

(Theo SGTT)

.