Hiệp hội Nhà hàng Hoa Kỳ khẳng định, để trở thành một nhà quản lý nhà hàng cần có cả trái tim và khối óc. Có trái tim để luôn kiêu hãnh với công việc có tính chất thay đổi hằng ngày và không bao giở buông xuôi, buồn chán trước khó khăn. Có khối óc để có khả năng hoạch định công viêc kinh doanh và tường tận sâu sắc, nắm bắt kịp thời xu hướng mới trong lĩnh vực nhà hàng. Các nhà quản lý nhà hàng có thể có năng khiếu và được đào tạo khác nhau, nhưng luôn phải có khả năng chịu đựng áp lực và sự linh hoạt để thực thi công việc cụ thể.
Một trong những cách tốt nhất để trở thành quản lý nhà hàng giỏi là bắt đầu các công việc từ dưới lên. Đó có thể là đầu bếp, trợ lý bếp, bồi bàn hay kể cả gác cổng…, tất cả đều giúp cho họ sự hiểu biết sâu sắc các vị trí công việc trong nhà hàng cũng như những thử thách khắc nghiệt trong vai trò là nhà quản lý. Trên cơ sở trải nghiệm cá nhân, các nhà quản lý nhà hàng sẽ biết sắp xếp công việc một cách khoa học và xây dựng đội ngũ nhân viên dưới quyền làm việc theo tinh thần nhóm một cách hiệu quả và có trách nhiệm.
Việc đạt các bằng cấp quản trị tại các trường đào tạo nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng là cách thức rất tốt để trở thành nhà quản trị trong lĩnh vực công nghiệp này. Bởi vì chương trình đào tạo bao quát các hoạt động của nhà hàng, giúp sinh viên hiểu biết sâu rộng các phương thức quản trị, tài chính và khả năng vạch ra chiến lược kinh doanh.
Với một người vừa có kinh nghiệm làm việc trong nhà hàng và được đào tạo bài bản thì nhìn chung có hai con đường vươn lên vị trí quản lý. Một là họ sẽ tìm kiếm vị trí quản lý nhà hàng để tự ứng cử, hai là nỗ lực mở một nhà hàng riêng. Một số chuyên gia đề nghị, một người vừa có kinh nghiệm vừa có bằng cấp nên trải nghiệm thực tế tại vị trí quản lý nhà hàng một vài năm trước khi quyết định tự mình đứng ra kinh doanh.
Kỹ năng riêng biệt của từng cá nhân có thể không giúp một người trở thành nhà quản lý nhà hàng ngay, nhưng nó sẽ giúp họ phát triển kỹ năng kinh doanh và quản trị tài chính tại nhà hàng sau này.
Một khi đã làm việc với vai trò quản lý nhà hàng, rất quan trọng phải nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng, nhân viên, và nhà cung ứng. Nếu người quản lý duy trì tốt mối quan hệ với nhân viên sẽ giúp đảm bảo dịch vụ nhà hàng đúng chuẩn thì việc gây ấn tượng tốt với khách hàng trên cơ sở mối quan hệ cá nhân giúp tạo ra những khách hàng trung thành; còn làm bạn với nhà cung ứng thì sẽ có những giao dịch hiệu quả hơn cho nhà hàng.