Quản lý nhà hàng: Đau đầu với bài toán nhân sự (P1)

Kinh doanh nhà hàng: Cuộc chiến thù trong giặc ngoài
April 3, 2016
Công thức thành công khi kinh doanh cafe
April 3, 2016
Hiển thị tất cả

Quản lý nhà hàng: Đau đầu với bài toán nhân sự (P1)

Trong nhà hàng, mối quan hệ giữa quản lý nhà hàng và nhân viên luôn là một vấn đề nhạy cảm, bởi khó có thể dung hòa tất cả nhân viên với cách quản trị của người quản lý. Mỗi người là một cá thể độc lập, có hành vi, tâm lý khác nhau, vậy nên khó có thể áp đặt tất cả mọi người vào cùng một phương pháp quản trị. Bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa đảm bảo được tính thống nhất khi chỉ đạo toàn bộ đội ngũ, vừa có thể quản trị nhân viên nhà hàng theo chuẩn mong muốn? Hãy cùng Smart Goal tìm hiểu một vài bí mật trong cách quản trị nhân viên nhé.

Nhân viên – Họ là ai?

Dựa theo đặc thù nhà hàng ở Việt Nam có thể chia nhân viên nhà hàng thành từng nhóm:

  • Nhóm những bạn trẻ, các bạn sinh viên đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải học phí, hoặc những bạn vừa ra trường chưa xin được việc. Đặc điểm của nhóm này là thường nhạy cảm trước mọi vấn đề, cái tôi quá lớn, hay đòi hỏi, thường có tâm lý “cả thèm chóng chán” và thích bay nhảy ở nhiều môi trường khác nhau.
  • Nhóm nhân viên có quan hệ với chủ nhà hàng như anh em họ hàng, con cháu. Điểm nổi bật của nhóm này là hách dịch, coi thường người khác vì lúc nào cũng nghĩ mình có ưu thế hơn họ. Những nhân viên này thường có ý thức trách nhiệm không cao, do được bảo vệ nên thường không coi lời quản lý ra gì.

Một người quản lý tốt là khi đã nhận diện nhân viên của mình là ai, thì phải tìm cách hiểu và nắm bắt tâm lý của họ để đưa ra những phương pháp quản trị tối ưu, tránh trường hợp có những sự dao động lớn trong số lượng nhân sự tại chính nhà hàng của mình. Vậy cần phải làm những gì?

quan-ly-nha-hang-dau-dau-voi-bai-toan-nhan-su1-1024x597

Tạo môi trường làm việc năng động, thoải mái.

Trong môi trường nhà hàng mà nhân viên chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên làm thêm, để giúp họ làm việc hiệu quả, cũng như giúp nhà hàng hoạt động ngày một tốt hơn, thì cách quản lý nhà hàng tốt nhất là tạo được bầu không khí làm việc thoái mái vui vẻ trong nhà hàng mình, để họ có được hứng thú khi làm việc.

Đừng giữ vẻ mặt hình sự, khó chịu, hãy thư giãn, thể hiện sự thân thiện, nhưng cũng đừng quá dễ dãi khiến nhân viên “quên mất” bạn là quản lý của họ. Thỉnh thoảng nhà hàng cũng nên tổ chức những buổi liên hoan nhỏ, kêu gọi tất cả nhân viên cùng tham gia, vừa tạo cơ hội giao lưu, giúp mọi người hiểu nhau hơn, vừa có tác dụng động viên tinh thần làm việc cho nhân viên rất tốt.

Khen kịp thời

Đừng cho rằng việc đó là không cần thiết, đừng lúc nào cũng chỉ nhăm nhe quát nạt nhân viên, thể hiện quyền uy của quản lý nhà hàng. Bởi nhân viên chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì bạn là sếp, là người phát lương cho họ mỗi tháng.

Nhưng an tâm, họ rất quan tâm tới bạn vì bạn luôn là chủ đề của các cuộc nói chuyện, bạn có biết rằng bàn tán, nhận xét người khác luôn là đề tài thú vị của các bạn trẻ. Vậy tại sao không để những buổi nói chuyện đó trở thành “khen thầm sếp sau lưng” nhỉ?

Khi nhân viên làm việc chăm chỉ, phục vụ khách hàng tốt, làm hài lòng khách hài lòng, hay khi nhà hàng đông khách, nhân viên của bạn phải hoạt động hết công suất của mình, thì cũng đừng tiếc một lời khen, một lời động viên.

Bởi một lời khen chân thành và đúng lúc của người lãnh đạo sẽ có tác dụng trực tiếp đến tâm lý của nhân viên, góp phần động viên, khuyến khích những người dưới quyền làm việc chủ động, sáng tạo, say mê với công việc hơn.

quan-ly-nha-hang-dau-dau-voi-bai-toan-nhan-su2-1024x682

Khiển trách đúng lúc

Nhiều quản lý nhà hàng nghĩ rằng việc bỏ qua những lỗi lầm của nhân viên sẽ làm cho họ yêu quý mình hơn. Ngược lại, nhiều người cho rằng khi nhân viên sai phải ra sức quát mắng thể hiện cái uy của mình thì mới ra dáng quản lý.

Cả hai cách làm trên đều không thỏa đáng. Quản lý nhà hàng hãy nhớ đội ngũ dưới bạn hầu như là những người trẻ, họ có tính ỷ lại cao, và có cái tôi rất lớn, những cách đó chỉ làm cho tình hình xấu đi.

Cách thứ nhất, khiến cho bạn chẳng còn quyền uy nào với họ, chỉ làm cho nhân viên cảm thấy không coi trọng bạn. Còn với cách thứ hai, nhân viên sẽ cảm thấy sợ nhưng không phục, họ sẽ tìm cách chống đối lại bạn.

Nếu tình trạng này kéo dài mâu thuẫn giữa quản lý nhà hàng và nhân viên sẽ ngày một lớn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường làm việc trong nhà hàng.

Vì vậy, việc xây dựng ra bộ nội quy, quy định chuẩn, đưa ra những thưởng phạt rõ ràng, khi nhân viên làm sai là rất cần thiết. Dựa trên bảng nội quy này để chỉ ra những lỗi sai của nhân viên và quan trọng hơn là để họ kịp thời sửa chữa, lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm cho toàn thể nhân viên còn lại. Tuy nhiên, cần tránh đưa ra những nhận xét cá nhân gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới.

quan-ly-nha-hang-dau-dau-voi-bai-toan-nhan-su3-1024x673

Công bằng

Đây là một trong những tố chất quan trọng nhất mà bất kỳ một nhà quản lý nhà hàng nào cũng cần phải có. Khi bạn phải quản lý cả một nhóm người, mỗi người một tính cách, một nhiệm vụ khác nhau, thì điều quan trọng bạn phải hết sức công tâm trước mọi hành động, quyết định của mình.

Hãy bỏ qua hết sự thù hằn, ý kiến chủ quan, không chấp nhặt những điều nhỏ  để giảm thiểu tối đa va chạm, mâu thuẫu với nhân viên. Thưởng phạt phải công minh, khi đã có bộ quy định chuẩn, bạn chỉ cần áp vào vận hành trong mọi tình huống (tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp cần sự linh hoạt).

Một quản lý nhà hàng tốt sẽ biết cách làm việc và đưa ra những quyết định công bằng để dẫn dắt cả nhóm cùng làm việc hăng say vì những mục tiêu chung của nhà hàng chứ không phải cố gắng xét nét và phán đoán dựa trên cảm tính cá nhân. Sự công bằng còn khuyến khích từng thành viên nỗ lực làm việc để phát huy hết khả năng của mình, đem lại hiệu quả công việc cao hơn.