Giảm thiểu tai nạn trong kinh doanh nhà hàng

Tố chất của chủ kinh doanh nhà hàng tài ba
April 3, 2016
Kinh doanh nhà hàng: Khi thượng đế dùng công nghệ (P1)
April 3, 2016
Hiển thị tất cả

Giảm thiểu tai nạn trong kinh doanh nhà hàng

Là quản lý nhà hàng, bạn phải học cách chấp nhận những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Trong đó có những tai nạn thương tích của nhân viên. Và khi đó, nhà hàng sẽ mất chi phí y tế, thiếu nhân lực và bản thân người lao động có thể mang thương tật vĩnh viễn nếu tai nạn nghiêm trọng.

Vậy, làm thế nào để phòng tránh những tai nạn lao động trong ngành công nghiệp kinh doanh nhà hàng? Câu trả lời cơ bản chính là việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để lắng nghe những phân tích cụ thể hơn.

Đề cao cảnh giác

Bất kì ai cũng đều biết rằng ý thức dẫn đường cho hành động, bạn không thể cấm đoán một người trừ khi chính bản thân họ ý thức về điều đó. Vì vậy, quản lý nhà hàng phải duy trì việc nhận thức về vấn đề tai nạn nghề nghiệp trong nhân viên.

Đầu tiên, hãy phổ biến các quy định về an toàn lao động trong kinh doanh nhà hàng cho nhân viên. Điều này bạn nên áp dụng đối với những nhân viên mới được tuyển dụng. Tâm lý dè chừng, ngại ngùng với môi trường mới sẽ khiến họ tập trung vào lời nói của bạn. Nhờ đó mà việc tuyên truyền sẽ đạt hiệu quả. Những tài liệu về vấn đề này không phổ biến lắm, bạn có thể tìm người có kinh nghiệm tư vấn cho mình hoặc tham gia các khoá học quản lý nhà hàng ngắn hạn để có thêm kiến thức về an toàn lao động trong kinh doanh nhà hàng.

Khuyến cáo trên bạn chỉ nên áp dụng đối với nhân viên hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Sở dĩ chúng tôi khẳng định như vậy vì các nhân viên khác, dù mới vào làm nhưng đã có kinh nghiệm từ trước, họ có tâm lý tự kiêu rất lớn. Có nghĩa là họ tự tin với khả năng của mình, họ cho rằng những việc đơn giản thường ngày họ vẫn làm thì không bao giờ có sai sót dẫn tới tai nạn.

tai-nan-kinh-doanh-nha-hang_smartgoal7

Lúc này, chủ kinh doanh nhà hàng nên chuyển chiến lược khác. Thay vì đề cao tính an toàn cho bản thân họ, hãy nhắc đến ảnh hưởng của tai nạn tới khách hàng. Đồng thời, nhấn mạnh thêm rằng kinh doanh nhà hàng luôn đặt quyền lợi của thực khách lên hàng đầu. Khi nhận thức được điều này, nhân viên sẽ có ý thức điều chỉnh hành vi của mình.

Sau cùng, hãy lấy ví dụ cho vấn đề này. Bạn nên lựa chọn những ví dụ về những sai lầm căn bản, đơn giản mà ít người nghĩ đến. Chẳng hạn, bếp ở nhà hàng là dạng bếp công nghiệp, các bếp khá sát nhau để tiện cho đầu bếp chế biến nhiều món một lúc. Đôi khi, vì phải di chuyển nhiều, sợ va chạm, họ quay tay cầm của chảo dầu hướng về phía bếp bên cạnh. Khi quay lại chế biến, họ cầm vào tay cầm nóng rẫy, đầu bếp làm rơi chảo dầu ra sàn. Không chỉ ảnh hưởng đến chính họ mà bản thân phụ bếp kế bên cũng bị dầu văng vào người.

Phòng còn hơn chữa

Ngoài việc nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, chủ kinh doanh nhà hàng cũng nên cân nhắc đến tính an toàn khi thiết kế nhà hàng. Những tai nạn phổ biến nhất trong kinh doanh nhà hàng chính là bỏng, trơn trượt, tai nạn liên quan đến dao kéo. Trong đó, phổ biến nhất là tai nạn do bỏng với khoảng 12000 vụ mỗi năm, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhà hàng Hoa Kỳ. Nhưng xét về chi phí thì tai nạn trơn trượt lại cao hơn hẳn với giá trị đền bù lên tới hàng triệu đô.

Để đề phòng các tai nạn về bỏng, quản lý nhà hàng nên lựa chọn những vật dụng chế biến có tay cầm là vật liệu kém dẫn nhiệt. Hoặc bạn có thể sắm sửa những chiếc găng tay bảo hộ cho nhân viên bếp.

Bạn có thể lựa chọn loại gạch lát trống trượt cho khu vực bếp nếu nhà hàng đang xây dựng. Thảm chống trượt cũng là một giải pháp bạn có thể cân nhắc thay thế nếu không đủ điều kiện để thay lại mặt sàn.

Quản lý nhà hàng cũng nên nhắc nhở nhân viên thường xuyên dọn dẹp, lau chùi khu bếp để tránh vương dầu mỡ gây trơn trượt. Việc kiểm tra hỏng hóc và bảo trì đồ dùng cũng phải được tiến hành đều đặn để tránh tai nạn xảy ra.

tai-nan-kinh-doanh-nha-hang_smartgoal5

Nhanh tay nhanh mắt

Khi tai nạn xảy ra, bạn cần có những động thái phản ứng kịp thời. Nhiều chủ kinh doanh nhà hàng khi gặp tình huống này thường bỏ mặc nhân viên, họ chỉ quan tâm các vật dụng khác có bị ảnh hưởng hay không và giục mọi người quay trở lại làm việc.

Đối với nhân viên chịu tai nạn họ sẽ thấy rất ấm ức còn những người khác lại mất niềm tin ở bạn. Cách quản lý nhà hàng tốt lúc này là cử 1 hoặc 2 người hỗ trợ sơ cứu cho nhân viên đó. Hãy tự mình kiểm tra tình trạng hoạt động của các dụng cụ bởi nhân viên khi chứng kiến sự việc thường khá bối rối. Sau đó bạn nhắc nhở mọi người làm việc trở lại.

Trong trường hợp tai nạn xảy ra với khách hàng, bạn nên tập trung chăm sóc khách hàng để làm giảm căng thẳng. Bạn có thể thăm hỏi nhân viên sau nhưng nếu không giải quyết tốt thì bạn sẽ không bao giờ thấy khách hàng quay lại.

Nếu tính chất của sự vụ nghiêm trọng, có tổn thất lớn bạn nên lập biên bản hiện trường tai nạn. Mời một vị khách hàng có mặt tại đó để xác nhận tình hình. Đây là bí quyết lấy sự cảm thông ngầm của những người có kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng.

Nhiều người thường mặc định rằng khách hàng luôn đúng, hơn thế họ cũng chính là khách hàng nên khi có tai nạn xảy ra, phần lớn đều quy lỗi cho nhà hàng. Việc lôi kéo một khách hàng bất kì làm người thứ ba chứng kiến rõ cách giải quyết của nhà hàng sẽ giúp bạn có một tuyên truyền viên thanh minh cho nhà hàng. Và lời nói từ phía thứ ba này luôn đáng tin hơn bất kì nguồn nào khác. Như vậy, uy tín và việc kinh doanh nhà hàng vẫn được duy trì.