Ông Lương Xuân Huy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Dịch vụ Nhà hàng Smart Goal chia sẻ kinh doanh nhà hàng là một công việc đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm ở mức độ cao. Do đó, trước khi bạn quyết định khởi nghiệp với việc kinh doanh nhà hàng hay quán café của riêng mình, hãy tích cực học hỏi tất cả những gì có thể, tích lũy từ 2 đến 3 năm kinh nghiệm kinh doanh bằng việc xin làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong những nhà hàng và các quán café đã kinh doanh thành công.
Những công việc như chuẩn bị nguyên vật liệu, đặt món cho khách, rót rượu, phục vụ bàn, rửa bát, phụ bếp… lặp đi lặp lại hàng ngày, thoạt nhìn như một bánh xe quay mãi những vòng quay cũ nhưng lại có thể mang đến những bài học trong kinh doanh nhà hàng đáng ngạc nhiên mà bạn chưa biết. Người ta ví, nhà hàng chính là môi trường tốt để bạn học cách biết ơn và tôn trọng – những đặc tính nên có với bất kì ngành nghề nào, đặc biệt là quản lý nhà hàng. Đây chính là lý do vì sao bạn nên làm việc ở nhà hàng từ những vị trí thấp nhất.
Cùng Smart Goal điểm qua những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra được khi làm ở nhà hàng nhé!
Đặc điểm chung của thực khách đến nhà hàng là muốn được phục vụ như những thượng đế. Họ luôn trong tâm thế không làm gì cả, họ đang đói, đang vội, đôi lúc mệt mỏi và họ đến nhà hàng để có người chuẩn bị món ăn cho họ, phục vụ ân cân và dọn dẹp sạch sẽ những gì còn lại sau đó.
Khách hàng sẵn sàng bộc lộ những tính xấu trong con người mình khi họ không hài lòng hoặc thậm chí là khi họ muốn thế. Những người bình thường bạn thấy họ hào phóng, đáng kính, chu đáo và duyên dáng thì bỗng trở nên cầu kỳ, kiêu ngạo, đòi hòi, nhỏ nhen và tầm thường khi họ ngồi xuống. Những thực khách đó xếp công việc của bạn vào loại thấp trong xã hội và coi thường học vấn của bạn. Đôi lúc họ phàn nàn về tất cả những việc bạn làm, thậm chí cả những việc không thuộc trách nhiệm của bạn.
Ví như, một ngày mưa họ vào nhà hàng, dây bẩn ra khắp nơi, đòi hỏi bạn phải làm gì đó cho quần áo và tóc tai họ khô, họ bắt đầu cáu kỉnh khi bạn mang khăn ra chậm hơn những gì họ nghĩ và bắt đầu hạch sách bạn về cung cách phục vụ. Tệ hơn, khi bạn có chẳng may nói trả một vài câu, những vị khách đáng kính đó sẵn sàng “xù lông nhím”, khăng khăng rằng bạn thiếu lễ độ và đòi gặp quản lý để “cho bạn biết tay”.
Hẳn nhiên bạn trong vai trò một nhân viên phục vụ sẽ thấy bực mình, oan ức và không thể hiểu nổi sao một việc cỏn con lại đi xa đến vậy. Nhưng mặt tích cực của việc này là gì? Đó chính là bạn có cái nhìn khác về những người làm công việc cùng tính chất với bạn như nhân viên thu tiền điện nước, thuế vụ, điện thoại viên… hay bất cứ ai cũng không còn đáng ghét như trước nữa và có cái nhìn cảm thông đa chiều hơn.
Làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng chính là cách tuyệt vời để bạn rèn rũa tính kiên nhẫn của mình, bỏ qua những lời lăng mạ, những hành động thiếu ý thức để hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Từ đây bạn cũng hiểu rõ hơn vì sao ta nên nhìn sự việc theo nhiều hướng khác nhau để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Bạn cần học cách làm việc nhóm với cả những bộ phận khác để có thể hỗ trợ nhau trong công việc. Nhà hàng là nơi cho bạn thấy tầm quan trọng của việc làm cùng đồng đội và dạy cho bạn cách tận dụng nó trong những công việc khác nữa.
Ông Lương Xuân Huy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Dịch vụ Nhà hàng Smart Goal cho hay: “Tôi luôn tâm niệm rằng, với ngành kinh doanh nhà hàng hay bất kì công việc nào khác, nhân viên làm việc và đối xử với nhau như những người trong gia đình là điều quan trọng giúp nhân viên đó làm việc tốt hơn và cũng sẽ giúp nhà hàng, công ty phát triển hơn.”
Suốt một ngày làm việc bận rộn, bạn không ngơi tay đặt món cho khách, chuẩn bị thức ăn, mời nước, rửa chén bát… và cứ lặp lại những việc đó mà không có cả thời gian đi vệ sinh, hay nghỉ ngơi ăn giữa buổi. Lúc này chính những mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Ngược lại, với những người đối xử khó chịu với đồng nghiệp hoặc không có khái niệm hỗ trợ người khác thì cũng sẽ không có ai tình nguyện giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, thậm chí khi họ chỉ muốn nghỉ tay dăm ba phút. Môi trường kinh doanh nhà hàng sẽ giúp bạn hiểu cách cư xử có qua có lại.
Sự tôn trọng nằm ở chỗ bạn không đánh giá học thức hay nhân phẩm người khác khi không hiểu rõ về công việc và những khó khăn họ gặp phải. Sẽ rất khó để bạn biết được những vị khách tử tế với nhân viên phục vụ bởi đó là bản chất của họ hay dựa trên những gì họ đã từng trải qua. Có thể họ đã từng làm những công việc tương tự thế. Không ai hiểu được hậu quả của việc lỡ làm đổ nước, phục vụ món ăn chậm hay nhầm lẫn món ăn giữa các bàn như thế nào, ngoại trừ những người đã từng ở trong hoàn cảnh đó.
Sau một thời gian làm việc tại nhà hàng bạn sẽ tự học thêm được sự tôn trọng dành cho mọi người xung quanh. Bạn sẽ không còn khó chịu khi đi ăn ngoài và bị phục vụ chậm, hay thôi cáu kỉnh với cô thu ngân loay hoay mãi khi máy tính tiền đang gặp sự cố.
Bên cạnh đó, bạn sẽ có cái nhìn tôn trọng hơn khi đã hiểu về công việc mà mọi người quy chụp là công việc tay chân, thiếu trí tuệ. Đây thực là một công việc phức tạp, giống như khi bạn phải vừa đứng nấu cơm, vừa trông con nhỏ và phải trả lời điện thoại vậy.
Với những quản lý nhà hàng đã từng trải nghiệm công việc của cấp dưới sẽ học được cách tôn trọng và tin tưởng nhân viên của mình hơn. Một quản lý tốt là người có thể bảo vệ được nhân viên của mình khi bị khách hàng lăng mạ chứ không phải người chỉ biết đổ lỗi và sẵn sàng trừ lương nhân viên bất kể ai đúng ai sai.
Nhiều người làm việc nhưng chỉ dựa trên những thứ đã có sẵn và họ hoàn toàn không có kỹ năng xây dựng công việc từ số 0. Những nhân viên giỏi sẽ khác, họ biết phải làm gì và làm như thế nào. Bởi họ luôn đặt bản thân mình vào công việc.
Tại sao bạn phải đặt bản thân mình vào những việc mình làm? Đó là lúc bạn sẽ hiểu được cảm giác khi bị bỏ đói ở nhà hàng trong khi những thực khách khác được phục vụ tận răng. Khi bạn gạt bỏ được những nhu cầu cá nhân sang một bên và giải quyết nhanh chóng tình huống đang xảy ra, bạn sẽ có thể đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Hãy làm việc với cả trái tim và xem niềm vui của khách hàng chính là mục đích công việc của mình. Học cách làm việc nhanh chóng, làm đúng mọi việc bất kể bạn phải đi nhanh thế nào và luôn giữ thái độ tốt trong lúc làm việc, bạn sẽ nhận được giá trị tốt đẹp trong công việc và cả cuộc sống.
Quản lý nhà hàng là một công việc phức tạp, yêu cầu người quản lý cần có cái nhìn bao quát, đa chiều và kiến thức nghiệp vụ cũng như xã hội sâu rộng. Thật không ngoa khi nói rằng một người quản lý tốt cần có “sự dũng mãnh của sư tử, sự tinh khôn của loài cáo, đoàn kết, kỷ luật sói khi săn mồi, tầm nhìn xa như đại bàng và nhìn được tổng quát như cú”.
Trái với quản lý nhà hàng tồi, một quản lý giỏi luôn biết quan tâm nhân viên, đảm bảo chất lượng món ăn trong nhà hàng, biết thu hút người lao động và thúc đẩy họ làm việc tốt hơn. Người quản lý không nên vì mục tiêu làm hài lòng khách hàng mà mang nhân viên ra xử lý ngay tại chỗ, họ sẽ luôn tìm được cách xoa dịu khách hàng và công bằng với nhân viên.
Kinh doanh nhà hàng là một công việc phức tạp và làm việc trong nhà hàng giúp chúng ta thấm nhuần giá trị của sự tôn trọng, rèn tính kiên nhẫn, phối hợp làm việc nhóm, và trau dồi kỹ năng của một quản lý nhà hàng giỏi. Những bài học này sẽ giúp bạn vượt qua những thử thách trong công việc cũng như trong cuộc sống.