Nếu như trước đây, người ta đến quán cafe chỉ để thưởng thức một ly cafe, đọc lướt tờ báo sáng rồi bắt tay vào một ngày làm việc mới thì nhịp sống hiện đại đã khiến xu hướng đó dần thay đổi. Quán cafe đã trở thành một nơi hẹn hò lứa đôi, hàn huyên với bạn bè, thậm chí trở thành nơi gặp gỡ đối tác và bàn công việc. Những quán cafe truyền thống vẫn giữ được lượng khách đông đảo bởi tính lâu đời, chất lượng cafe, còn những quán cafe mới mở muốn phát triển được phải có điểm riêng biệt thu hút khách hàng. Nhu cầu ăn uống được chú ý nhiều hơn, khách hàng không chỉ muốn thưởng thức những đồ uống ngon mà phải có một không gian thoáng đẹp, chất lượng dịch vụ phải tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Nếu bạn đang có ý định kinh doanh cafe thì hãy đọc những chia sẻ dưới đây để biết cần chuẩn bị những gì.
Ngày càng có nhiều loại hình cafe xuất hiện để đáp ứng nhu cầu thưởng thức đồ uống của mọi người, từ những quán cafe truyền thống, cafe sách, cafe bóng đá, đến những quán cafe sân vườn rộng rãi hay những quán cafe sang trọng. Nhiều người có ý định kinh doanh cafe khi thấy những quán cafe khác khá đông khách. Họ nghĩ rằng với số lượng khách hàng và giá cả như thế, quán café hẳn sẽ thu được lợi nhuận lớn. Nhưng bạn có biết, kinh doanh cafe nếu không thực sự am hiểu và biết tính toán sẽ rất dễ phá sản.
Kinh doanh cafe là công việc không chỉ đòi hỏi bạn sự đam mê mà còn cần những kiến thức kinh doanh và quản lý sâu rộng, từ việc lập kế hoạch kinh doanh, setup quán cafe, cho đến việc lên menu đồ uống, tuyển chọn và đào tạo nhân viên… Khách hàng của bạn đến từ những tầng lớp xã hội và trình độ văn hóa khác nhau, bởi vậy việc mang đến một dịch vụ hoàn hảo thỏa mãn tất cả mọi người thực sự khó khăn.
Nếu như bạn đã sẵn sàng dấn thân vào con đường này vì niềm yêu thích và đam mê thì việc cần làm là không ngừng nâng cao kiến thức kinh doanh cafe của mình. Còn, nếu ý định mở quán cafe của bạn xuất phát từ sở thích nhất thời, chạy theo trào lưu thì bạn nên xem lại ý định đó trước khi bắt tay vào việc.
Cũng giống như bất kỳ lĩnh vực dịch vụ nào, kinh doanh cafe là môi trường khá nhạy cảm, nơi mà chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể là quả bom nổ chậm. Cho dù bạn làm việc với khách hàng, nhà cung cấp hay chính những nhân viên của mình thì mâu thuẫn lúc nào cũng có thể xảy ra. Đây là lúc bạn cần thể hiện được sự kiên nhẫn và bình tĩnh của mình để duy trì tốt những mối quan hệ này. Trách nhiệm chính của chủ kinh doanh cafe là lập lại trật tự ở những nơi đang xảy ra lộn xộn và xoa dịu những căng thẳng, bất đồng.
Lĩnh vực kinh doanh cafe không phải ngành đơn giản. Giống như bất kỳ ngành kinh doanh nào, thương trường đều được ví như chiến trường, có sự cạnh tranh, ăn thua và thậm chí dở những thủ đoạn tồi giữa các đối thủ cạnh tranh. Dấn thân vào kinh doanh cafe bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, từ việc làm thế nào để vận hành tốt, những chính sách thu hút khách hàng mới và giữ chân được khách hàng cũ trước rất nhiều đối thủ cạnh tranh xung quanh, đến việc quản lý nhân viên sao cho hiệu quả và phù hợp nhất với tiêu chí kinh doanh đã đặt ra… Sự nỗ lực chính là điểm tựa giúp bạn kiên nhẫn giải quyết mọi việc mà không nghĩ đến chuyện đầu hàng.
Bạn thấy đấy, những doanh nhân tài ba đều chia sẻ rằng họ có 1% may mắn và đến 99% từ niềm đam mê và sự nỗ lực. Nếu không có đam mê, khó lòng mà thành công trong kinh doanh được. Trong kinh doanh cafe cũng vậy, niềm đam mê giống như ngọn lửa âm ỉ cháy truyền nhiệt lượng cho công việc của bạn. Người ngoài nhìn vào thường nghĩ rằng điều hành một quán cafe không khó, làm ông chủ lại càng dễ, nhưng sự thực, để vận hành và phát triển một quán cafe là một công việc khó khăn mà nếu không có ngọn lửa đam mê, bạn sẽ không tiến xa được.
Yêu thích công việc của mình thôi thì chưa đủ, chủ quán cafe còn cần có khả năng truyền dẫn niềm đam mê đó cho những người xung quanh, đặc biệt là nhân viên của mình. Bởi, chính những nhân viên đó là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thể hiện rõ nhất phương châm kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ của quán. Có thể nói họ chính là bộ mặt của quán cafe.
Nhân viên quán cafe rất dễ có tâm trạng bực bội khi họ phải chiều lòng nhiều khách hàng khách nhau cùng một lúc, vừa phải bưng bê, lau dọn, chạy qua lại giữa khu pha chế, khu rửa cốc tách và khu phục vụ khách hàng… Áp lực công việc và những lời phàn nàn, đòi hỏi của khách hàng là những thứ khiến nhân viên dễ mất bình tĩnh nhất. Lúc này, chủ kinh doanh cafe cần biết cách xoa dịu và đưa ra những hướng dẫn đơn giản để nhân viên có động lực tiếp tục làm tốt công việc của mình.