Kinh doanh nhà hàng: Góp gạo thổi cơm chung

Kinh nghiệm kinh doanh quán cafe take away
April 2, 2016
Các Lỗi Thường Gặp Khi Mới Bắt Đầu Mở Quán Ăn
April 2, 2016
Hiển thị tất cả

Kinh doanh nhà hàng: Góp gạo thổi cơm chung

Lợi thế theo quy mô được hiểu là khi đầu vào giữ nguyên hoặc giảm dần trong khi quy mô tăng lên thì doanh nghiệp sẽ gia tăng lợi nhuận. Quy luật này luôn hấp dẫn các chủ đầu tư. Theo đó, khi tham gia kinh doanh nhà hàng, các chủ đầu tư cũng có nhu cầu đầu tư lớn cho dự án của mình.

Tuy nhiên vấn đề mở rộng nguồn vốn không phải điều đơn giản. Giải pháp thường được lựa chọn là chung vốn kinh doanh. Một thống kê tại Mỹ đã chỉ ra khoảng 70% nhà hàng thất bại vì những cuộc xung đột giữa những nhà đồng sở hữu. Vậy, nên hay không việc góp vốn kinh doanh nhà hàng?

Hãy cùng Smart Goal tìm hiểu về vấn đề này.

Nhà đồng sáng lập – họ là ai?

Nhà đồng sở hữu, những người chung vốn góp với bạn có thể đa dạng về thành phần. Dưới đây là một số hình mẫu cơ bản.

Chung vốn cùng bạn bè

Đây là hình thức chung vốn phổ biến nhất. Bạn bè hiểu nhau và thường có chung chí hướng. Họ sẽ rất hào hứng, nhiệt tình ủng hộ dự án kinh doanh nhà hàng của bạn. Tuy nhiên khi qua thời kì “trăng mật”, họ thường trì trệ hơn trong công việc. Khi đó bạn rất khó để nhắc nhở họ vì tính cả nể. Hơn thế, với vai trò quản lý nhà hàng, hai bạn có thể sẽ giữ vị trí tương đương nhau, đôi khi xung đột lên cao hai bạn khó có thể giữ được quan hệ tốt đẹp.

gop-gao-thoi-com-chung-smargoal1

Khi nhà đồng sáng lập là chuyên gia

Nhà đồng sáng lập kiểu này thường là bếp trưởng, kế toán, marketer,… Với lợi thế về chuyên môn, họ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý nhà hàng của bạn. Bạn có thể sẽ tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng khi cộng tác với họ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến bạn dễ dàng lệ thuộc vào họ khi giao phó toàn bộ công việc thuộc lĩnh vực của họ mà không nắm quyền kiểm soát.

Có một cửa hàng kinh doanh phở tại Hà Nội đã phải đóng cửa dù đang rất đông khách khi đầu bếp cũng chính là người đồng góp vốn ra đi. Vì đầu bếp đó nắm giữ toàn bộ công thức chế biến món ăn. Do đó, khi đầu bếp ra đi, không có một nhân viên trong khu bếp có thể đảm nhiệm vị trí trống. Cửa hàng nhanh chóng đóng cửa sau đó.

Đối tác là người cầm cân nảy mực

Với những nhà hàng quy mô càng lớn, thì mức độ cần huy động vốn càng lớn. Có thể bạn có một ý tưởng tốt, một kế hoạch khả thi, nhưng tất cả những gì bạn thiếu là nguồn vốn. Và đây là thời điểm bạn cần tìm những nhà đầu tư. Tuy nhiên với việc nắm số vốn lớn hơn, họ sẽ lấn lướt bạn khi ra quyết định. Việc kinh doanh nhà hàng của bạn có thể sẽ bị chệch hướng bởi đối tượng này thường đặt ưu tiên lợi nhuận lên hàng đầu, đôi khi quên đi những yếu tố khác.

Hand giving money - United States Dollars (or USD)

Bên lợi bên hại, bên nào nặng hơn?

Khó có thể đưa ra kết luận cho vấn đề này. Khi có nhiều thành viên cùng góp vốn kinh doanh nhà hàng thì nguồn tài chính được ổn định hơn. Giảm thiểu rủi ro khi việc kinh doanh bị đình trệ. Thế mạnh của từng thành viên sẽ hỗ trợ nhau, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, lợi thế của các nhà hàng có nhiều thành viên đồng sở hữu là khả năng nhìn thấy nhiều phương diện của một vấn đề, các đề suất giải quyết vấn đề đa dạng hơn.

Như ở phía trên đã nhắc tới, đôi lúc trong kinh doanh nhà hàng những vấn đề phát sinh có thể khiến các nhà đồng sở hữu xung đột. Đồng thời, khi thế mạnh nghiêng về phía nào cũng sẽ khiến các quyết định quản lý nhà hàng mất đi tính khách quan vốn có.

Lối đi nào cho đôi bên?

Vấn đề nào cũng có hai mặt, việc của bạn là phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm. Bạn hãy nên nhớ rằng mình đang kinh doanh nhà hàng, một thương trường rất phức tạp. Nên dù trong bất kì trường hợp nào hãy cố gắng cụ thể, rành mạch hoá vấn đề. Một bản hợp đồng với những điều khoản chi tiết sẽ giúp bạn hạn chế những rắc rối sau này. Khi lập giao kết hợp tác kinh doanh cần chú trọng các chủ điểm sau:

# Đóng góp của các bên

Việc đóng góp của các bên có thể dưới dạng tiền mặt, tài sản cố định hay danh tiếng. Bạn hãy ghi rõ chi tiết từng đóng góp của mỗi thành viên để làm cơ sở phân chia quyền hành, tài sản. Cũng nhờ việc xác định rõ đóng góp này mà bạn sẽ xác định được hình thức kinh doanh nhà hàng.

gop-gao-thoi-com-chung-smargoal3

# Tỷ lệ phân chia lời lỗ

Bạn có thể chia đều phần lợi nhuận mà nhà hàng thu được. Đây là phương pháp đơn giản nhất, và cũng thường được áp dụng khi các đồng sở hữu có quan hệ thân tình, bạn bè, ngang hàng nhau.Tuy nhiên khi giữa các thành viên góp vốn có chênh lệch thì lợi nhuận nên được chia theo mức tỷ lệ đóng góp ban đầu.

# Quyền hạn các bên

Hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng nên ghi rõ, phân chia cụ thể trách nhiệm cho từng người. Bạn nên thương lượng với các bên đóng góp để được giữ vai trò quản lý nhà hàng. Là người khởi xướng, bạn hiểu rõ và biết chắc bản thân nên hướng nhà hàng theo phương nào thì nên giữ vững tay trèo. Đừng vì tự ti thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm mà vội vàng trao vị trí đó cho người khác.

# Kết nạp người mới

Khi kinh doanh nhà hàng thuận lợi, bạn có nhu cầu mở rộng quy mô trong khi đóng góp của nhưng nhà đồng sở hữu không thể đáp ứng, hay khi việc làm ăn gặp khó khăn, bạn nên kiếm tìm những đối tác mới có lợi thế về tài chính và kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng. Do đó bạn nên ghi chú trong hợp đồng với các thành viên hiện tại về trường hợp này. Số lượng thành viên có thể tham gia sau này, điều kiện tham gia, số vón góp của họ, quyền lợi, trách nhiệm,… Đây cũng là một quy định hữu hiệu nhằm ngăn chặn thành viên nào đó có ý định thâu tóm nhà hàng.

# Quy định rút vốn

Frustrated student

Bạn cần nhớ rằng, việc kinh doanh nhà hàng thành hay bại là khó đoán. Khi nhà hàng có nguy cơ thất bại, chẳng ai muốn ôm một cục nợ lớn cả. Việc họ muốn rút vốn là tất yếu. Tuy nhiên nếu không lường trước các tình huống và để bị rút vốn đột ngột có thể khiến việc kinh doanh nhà hàng của bạn gặp khó khăn. Hãy quy định cụ thể các mục sau: thời gian thông báo tối thiểu trước khi rút vốn, người sẽ mua lại phần vốn góp và giá mua, cụ thể hơn bạn có thể đề nghị các đồng sở hữu quy định người có quyền thừa kế cổ phần khi có vấn đề xảy ra với chủ sở hữu hiện tại,…

# Phương pháp giải quyết tranh chấp

Khi đã có những thoả thuận kinh doanh ràng buộc, nhưng mâu thuẫn giữa các bên góp vốn vẫn có thể xảy ra. Một phương pháp đơn giản là biểu quyết dân chủ giữa các đồng sở hữu. Bạn cũng có thể đề xuất phương pháp nhờ bên thứ ba để trung hoà tranh chấp, nhất là khi nhà hàng chỉ có hai người cùng góp vốn. Sau cùng là giải quyết tranh chấp qua toà án. Hãy quy định rõ những trường hợp nào nên áp dụng một trong các phương án trên.

Nếu như bạn không biết về những vấn đề trên, hãy thuê luật sư. Tuy số tiền không nhỏ, nhưng bạn sẽ yên tâm hơn khi kinh doanh nhà hàng. Việc kinh doanh nhà hàng với nhiều người cùng sở hữu sẽ khiến các vấn đề sẽ càng phức tạp hơn. Do đó bạn cần phải lường trước những tình huống có thể xảy ra. Và bạn cần trang bị tốt kiến thức quản lý nhà hàng. Nguồn thông tin bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng, từ các đối thủ, các khoá học quản lý nhà hàng,…