Kinh doanh nhà hàng kiểu tập thể

Kinh doanh nhà hàng: Tiếp thị bằng hình ảnh
April 3, 2016
Quản lý nhà hàng và những điều chưa biết
April 3, 2016
Hiển thị tất cả

Kinh doanh nhà hàng kiểu tập thể

Vì sao lại kinh doanh nhà hàng kiểu tập thể? Đó có phải là kiểu kinh doanh có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu như một hình thức góp vốn kinh doanh giữa các cá nhân với nhau? Để có câu trả lời chính xác, hãy cùng Smart Goal tìm hiểu vấn đề này.

Ưu điểm

Nhiều sự lựa chọn đa dạng

Như các bạn cũng biết, người Việt có tinh thần đoàn kết rất cao, và khả năng học hỏi nhạy bén. Đặc biệt, người Việt Nam thường kinh doanh theo trào lưu. Bất kỳ một mặt hàng nào đang có dấu hiệu bán chạy là không chỉ một mà vô vàn những nhà kinh doanh cùng chen chân lao theo.

Xét một cách nghiêm túc thì đó là điều tốt, vì cơ chế thị trường là sự cạnh tranh giữa mọi người, ai cũng có quyền tự do kinh doanh. Khi càng nhiều người cùng kinh doanh một mặt hàng thì người hưởng lợi không phải ai khác chính là người tiêu dùng, những người được gọi là thượng đế.

Ở Hà Nội, bạn sẽ bắt gặp, hoặc được biết đến rất nhiều những con phố ẩm thực. Mỗi một con đường, con phố lại được gắn thêm những món ăn như phở cuốn Ngũ Xá, bít tết Hòe Nhai, lẩu nướng giá rẻ thì phải nói đến Lê Đức Thọ, bún bò Huế ở Ngã Tư Sở… quá nhiều sự lựa chọn giành cho thực khách.

Việc bạn cần làm bây giờ là xác định rõ bản thân mong muốn gì, đến đúng địa điểm là có cả một chuỗi những sự lựa chọn giành cho bạn. Nhưng hãy chuẩn bị tâm lý thật vững nhé, có thể bạn sẽ bị chóng mặt trước những biển hiệu, những lời mời chào, và bạn sẽ  không biết nên đi đâu về đâu, và lựa chọn nào là tốt nhất.

kinh-doanh-nha-hang-kieu-tap-the1-1024x640

Chất lượng – giá thành sản phẩm tốt

Khi có nhiều nhà hàng cùng kinh doanh một loại sản phẩm thì muốn cạnh tranh được những chủ kinh doanh nhà hàng sẽ phải nghĩ ra bí kíp riêng để lôi kéo khách về nhà hàng mình nhiều nhất.

Đó có thể là sự điều chỉnh về chất lượng món ăn, sao cho đồ ăn hài hòa với khẩu vị mọi người mà vẫn có được nét đặc trưng riêng của nhà hàng. Hoặc đưa ra những chính sách cạnh tranh giá cả, những chương trình khuyến mại đáp ứng tiêu chí yêu thích của người Việt Nam: “ngon, bổ, rẻ”. Vậy thì lợi quá cho thực khách rồi.

Dịch vụ cải thiện

Làm thế nào để kéo được khách hàng về nhà hàng mình trong khi họ có quá nhiều sự lựa chọn? Tâm lý khách hàng khi đi ăn không chỉ quan tâm đến chất lượng món ăn, hay giá cả mà họ mong muốn nhiều hơn thế. Nó thuộc về giá trị tinh thần họ nhận được sau khi đến thưởng thức đồ ăn ở nhà hàng bạn. Ví dụ một bữa ăn ngon, kèm theo thái độ phục vụ chu đáo, thân thiện của nhân viên, sẽ làm cho thực khách ấn tượng hơn về nhà hàng của bạn.

Trước đây, phần lớn kinh doanh nhà hàng thường theo kiểu khách hàng tự phục vụ, nhân viên chỉ cần mang đúng và đủ đồ ăn ra cho khách là tròn trách nhiệm, thậm chí còn phải xếp hàng và nghe chủ quán chửi, quát mắng, nhưng bây giờ điều đó đã hoàn toàn lỗi thời.

Muốn giữ được khách hàng lâu dài, chủ nhà hàng hay quản lý nhà hàng phải nghĩ ra nhiều chiêu trò nâng cao chất lượng dịch vụ của nhà hàng mình, đơn giản như miễn phí đồ uống khai vị, wifi, máy lạnh… hay cao hơn là việc can thiệp trực tiếp luôn vào bữa ăn của khách như nướng đồ, gắp đồ ăn cho khách (đối với các quán nướng), hay rót đồ uống cho khách.

kinh-doanh-nha-hang-kieu-tap-the2-1024x683

Thực trạng

Nhưng bên cạnh những ưu điểm đó là những thực trạng chúng ta cần phải thẳng thắn thừa nhận khi kinh doanh nhà hàng kiểu tập thể này.

Nhiễu sóng thông tin

Khi có quá nhiều nhà hàng cùng kinh doanh một sản phẩm, ví dụ như cả một con phố cùng kinh doanh ăn theo một nhà hàng thành công đầu tiên, thì họ sẽ có rất nhiều chiêu trò gây “nhiễu sóng” với khách hàng.

Có thể các chủ nhà hàng sẽ đặt ra những cái tên na ná nhau, ví dụ như có một Nhà hàng ABC nổi tiếng gia truyền về một món ăn, ở ngay con phố đó sẽ mọc lên vô số những nhà hàng khác như ABC’, ABC’’ hoặc họ chỉ thay một vài chữ cái đi. Nếu không tìm hiểu kỹ từ trước về nơi định đến, đảm bảo rằng bạn sẽ bị “choáng” trước một rừng những quán có tên na ná nhau. Dẫu biết rằng “buôn có bạn, bán có phường”, tuy nhiên với kiểu kinh doanh nhà hàng tập thể này sẽ làm các thực khách hoang mang, không phân biệt nổi thật giả.

Mà ngay chính cả những người trong cuộc cũng bức xúc, rất nhiều chủ quán còn muốn bảo vệ thương hiệu của mình đã nghĩ ra cách treo những biển hiệu khá hài hước như “quán bún chả gia truyền chính hiệu, quán bên cạnh là giả mạo” gây ra rất nhiều những tình huống dở khóc, dở cười.

Vệ sinh

Đã bao giờ bạn thắc mắc, điều gì còn ở lại khi các quán ăn đóng cửa? Vâng chắc chắn rác là một thứ không thể thiếu. Việc ý thức về vệ sinh của những hộ kinh doanh ăn uống ở Việt Nam gần như còn quá yếu, đặc biệt là những quán nhỏ, bình dân.

Các chủ hộ kinh doanh nhà hàng đôi khi chỉ nghĩ đến lợi nhuận, những điều trước mắt mà quên đi những giá trị lâu dài. Họ vô tư để rác bừa bãi, và không quan tâm ai sẽ phải là người đi dọn rác đằng sau. Và câu chuyện là không chỉ là một cửa hàng mà là một dãy phố cùng như vậy thì thật sự là một thảm họa.

kinh-doanh-nha-hang-kieu-tap-the3-1024x681

Ùn tắc giao thông

Kinh doanh nhà hàng và giao thông có vẻ không liên quan nhưng lại rất liên quan đến nhau. Hãy thử hình dung những con đường được biết là “ngõ nhỏ, phố nhỏ” ở Hà Nội khi không chỉ có một mà cả tất cả các hộ cùng kinh doanh nhà hàng. Vậy thì lưu lượng xe cộ lưu thông lớn như thế nào? Đó là chưa kể đến vấn đề chỗ để xe, khách hàng, rồi người ở các quán kéo nhau ra đường mời chào khách… Vào giờ cao điểm thì tình trạng ùn tắc giao thông là chuyện khó tránh khỏi.

Nhiệt tình thái quá

Nhiệt tình là tốt, sao lại bảo không ổn? Thật sự là tốt khi ở mức độ vừa phải nhưng khi đã thành quá thì không còn ổn nữa.

Đó là khi các chủ hay quản lý nhà hàng cử nhân viên của mình là bảo vệ, thậm chí ngay chủ quán, quản lý đứng dọc ra đường đón khách. Nếu bạn đi ăn phở cuốn ở Ngũ Xá, hay bánh tôm Hồ Tây, Bún bò Huế ở Ngã Tư Sở… chắc hẳn sẽ bắt gặp cảnh trèo kéo, chặn đầu xe mời mọc, với tay theo kéo bạn vào quán. Những hình ảnh này thực sự phản cảm, khó chịu và còn gây hoang mang cho khách hàng.

Kết luận

Rất khó để đánh giá hình thức kinh doanh này tốt hay không. Trên đây chỉ là một vài những phân tích nhỏ của Smart Goal giúp mọi người có cái nhìn khách quan về một trong nhiều kiểu kinh doanh nhà hàng đang tồn tại ở Việt Nam.