Kinh doanh nhà hàng nhượng quyền – những điều cần biết

Kinh doanh cafe: Cuộc lấn sân của “kẻ ngoại đạo”
April 2, 2016
Tuyên ngôn cá tính trong kinh doanh nhà hàng
April 2, 2016
Hiển thị tất cả

Kinh doanh nhà hàng nhượng quyền – những điều cần biết

Kinh doanh nhà hàng dạng nhượng quyền tuy chưa thực sự khởi sắc nhưng không còn xa lạ ở Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thì phương thức nhượng quyền thương mại trong ngành ẩm thực sẽ phát triển thành trào lưu và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Nếu bạn muốn kinh doanh nhà hàng nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu thì nhượng quyền thương mại là một trong những cách giúp bạn thành công trong việc sở hữu một nhà hàng đã được khách hàng biết đến. Song, để kinh doanh nhà hàng dưới dạng này, bạn cần nghiên cứu quy cách thực hiện thật kỹ lưỡng. Dưới đây là chia sẻ của luật sư Phùng Thanh Sơn về những điều cần biết khi muốn kinh doanh nhà hàng dưới hình thức nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại là gì?

Nhượng quyền thương mại (Franchise) là một hình thức thương mại cải tiến của cấp phép. Có nghĩa doanh nghiệp chủ – người nhượng quyền cho phép một doanh nghiệp khác – người nhận quyền được sử dụng toàn bộ một hệ thống kinh doanh của họ. Đổi lại người nhận quyền phải trả các khoản phí bù khác như phí sử dụng bản quyền thương hiệu, chiết khấu phần trăm doanh thu trong khoảng thời gian do hai bên thỏa thuận. Thông thường doanh nghiệp nhượng quyền chỉ chuyển giao mô hình kinh doanh, hỗ trợ về thương hiệu, marketing, còn bên nhận quyền phải đầu tư chi phí cơ sở hạ tầng và nhân lực. Doanh nghiệp nhận quyền có thể thuộc cùng một quốc gia hoặc ngoài vùng lãnh thổ.

kinh-doanh-nha-hang-y-tuong-doc-dao-co-can-thiet

  • Nhượng quyền thương mại thường được chia làm 4 loại hình sau:
  • Nhượng quyền có tham gia quản lý (Management franchise)
  • Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện (Full business format franchise)
  • Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (Equity franchise)
  • Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (Non-business format franchise)

Những điều cần biết về kinh doanh nhà hàng nhượng quyền

1. Nhiều chủ kinh doanh nhà hàng còn nhầm lẫn giữa khái niệm nhượng quyền thương mại kinh doanh nhà hàng và kinh doanh chuỗi nhà hàng. Đây là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn. Những nhà hàng nhượng quyền chắc chắn là nằm trong chuỗi nhà hàng của một doanh nghiệp, nhưng chuỗi nhà hàng có thể do chủ đầu tư đứng tên, tự mở ra thành 5, 7 nhà hàng riêng và nó không hẳn kinh doanh dưới dạng nhượng quyền thương mại.

2. Bạn nghĩ rằng nhượng quyền thương mại là thanh toán các chi phí cho bên nhượng quyền để sở hữu tất cả nhà hàng, thương hiệu, chiến lược kinh doanh, marketing, và chiến lược điều hành của họ nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư của bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tuân thủ theo quy tắc của bên nhượng quyền bằng cách báo cáo công việc và thực hiện công việc theo chỉ dẫn của chủ doanh nghiệp nhượng quyền. Vậy về thực chất bạn không làm chủ hoạt động kinh doanh nhà hàng nhượng quyền đó mà chỉ sở hữu cơ sở kinh doanh do bạn đầu tư mà thôi.

kinh-doanh-nha-hang-nhuong-quyen-nhung-dieu-can-biet2

3. Kinh doanh nhà hàng dưới hình thức nhượng quyền thương mại cần nhiều chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, chi phí bản quyền, chiết khấu phần trăm doanh thu và các khoản phí khác. Con số này không hề nhỏ.

4. Trước khi đàm phán kinh doanh nhà hàng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền luôn yêu cầu bên nhận quyền phải có kiến thức cốt lõi và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng hoặc lĩnh vực kinh doanh khác.

5. Điều đáng lưu ý là doanh nghiệp nhượng quyền có thể yêu cầu bạn mở thêm nhiều nhà hàng khác tại cũng một địa điểm (trong cùng quận, thành phố, tỉnh) hay trong một khoảng thời gian nhất định kể từ khi khai trương nhà hàng nhượng quyền đầu tiên.

6. Bên nhượng quyền sẽ chuẩn bị sẵn phần thiết kế nhà hàng, nhà bếp, lên thực đơn, chia sẻ công thức chế biến, đào tạo đội ngũ nhân viên, những chiến lược marketing… cho bên nhận quyền. Bởi vậy nhượng quyền thường được xem là chìa khóa khởi động việc kinh doanh nhà hàng.

7. Tính nhất quán là yếu tố then chốt để nhận diện thương hiệu của các nhà hàng nhượng quyền. Do đó, kinh doanh nhà hàng dạng nhượng quyền đều phải tuân theo quy tắc riêng mà bên nhượng quyền đề ra về trang trí nhà hàng, đồng phục, cách thức làm việc và thái độ phục vụ của nhân viên, nguồn nguyên liệu được phép sử dụng, quy cách chế biến và bày biện món ăn…

kinh-doanh-nha-hang-nhuong-quyen-nhung-dieu-can-biet3

8. Bên nhận nhượng quyền không được phép tự do sáng tạo trong các món ăn hay thiết kế, trang trí nhà hàng, bởi họ buộc phải tuân thủ nguyên tắc mà bên nhượng quyền đã đặt ra trước khi ký hợp đồng.

9. Kinh doanh nhà hàng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố văn hóa vùng miền, khí hậu, khẩu vị, thói quen sinh hoạt và thu nhập của người dân tại khi vực định mở nhà hàng, nên dù kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền bạn vẫn cần chuẩn bị bản kế hoạch kinh doanh cụ thể.

10. Với những người mới bắt đầu kinh doanh nhà hàng không nên nghe theo các công ty môi giới vì mục đích của họ là tìm cách thuyết phục nhà đầu tư mua quyền kinh doanh thương hiệu để lấy phần trăm hoa hồng. Họ không thực sự cung cấp những thông tin trung thực và hữu ích. Thậm chí, các công ty môi giới này có thể làm hạn chế cơ hội của người mua nhằm thúc đẩy bên mua quyết định mua nhanh chóng hơn.

11. Những người muốn mua nhượng quyền kinh doanh nhà hàng nên nghiên cứu kỹ các tài liệu được bên nhượng quyền cung cấp, đồng thời dành thời gian liên hệ, tìm hiểu và trao đổi với những người đã và đang nhận quyền kinh doanh nhà hàng của cùng doanh nghiệp. Họ vừa giúp bạn xác minh về thương hiệu muốn mua, vừa giúp bạn nhận biết được độ chính xác và tính thực tế của tài liệu mà bên nhượng quyền cung cấp.