Nếu bạn nghĩ một quyển thực đơn nhà hàng nhỏ bé thì không có gì phải chú ý đến thì bạn đã sai rồi đấy. Thực đơn không chỉ là một tờ giấy liệt kê món ăn nhà hàng mà còn là nghệ thuật sắp xếp món ăn, font chữ, hình ảnh và màu sắc làm sao để khách hàng nhìn vào đã thấy ngon mắt. Không những thế thực đơn còn là một công cụ tiếp thị nhà hàng hữu ích, mang đến cho thực khách những món ăn và phong cách đặc trưng khó quên của nhà hàng.
Trước tiên quản lý nhà hàng cần lựa chọn mẫu thực đơn nhà hàng và có bản phác thảo được bố cục cơ bản. Thiết kế cơ bản chỉ đơn giản là việc tập hợp các nhóm món ăn cho khách hàng dễ tìm kiếm, tên nhóm và hình ảnh inh họa.
Việc chia tách thực đơn nhà hàng thành nhiều mục sẽ giúp khách hàng phân loại các nhóm thức ăn trong nhà hàng, lựa chọn món yêu thích dễ dàng và nhanh chóng hơn so với việc xem dàn trải cả một danh sách món ăn dài. Hãy liệt kê từng nhóm trên những trang riêng, với tiêu đề lớn và bắt mắt.
Có nhiều cách chia nhóm thức ăn cho bạn lựa chọn. Bạn có thể chia nhóm theo các bữa chính (bữa sáng, bữa trưa, bữa tối) hoặc phân loại theo danh mục món ăn như các món về thịt lợn, thịt bò, gia cầm, hải sản… Hay bạn cũng có thể phân loại theo cách chế biến (nướng, xào ,hấp, súp…). Phân loại theo quốc gia cũng là một gợi ý hay.
Thực đơn nhà hàng nên được sắp xếp hợp lý và logic. Nếu nhà hàng bạn mở cửa cả ngày, menu nên chia ra thành bữa sáng – bữa trưa – bữa tối. Thông thường, các loại thức uống sẽ được liệt kê cuối cùng, còn những loại đồ uống có cồn như bia, rượu, cocktail thì được tập hợp vào một nhóm riêng tách biệt với đồ uống cơ bản.
Màu sắc thực đơn nhà hàng cũng phải phù hợp với phong cách và thiết kế tổng thể của nhà hàng. Những nhà hàng cao cấp, quyển menu thường mang màu trầm, tối để tạo cảm giác nghiêm túc, chuyên nghiệp và sang trọng. Những nhà hàng bình thường hay chọn gam màu trung tính và ấm áp. Nếu đối tượng nhà hàng bạn nhắm đến là giới trẻ, nên dùng màu sắc trẻ trung, tươi sáng. Với những quán ăn bình dân, menu có thể chọn màu sáng chói sáng, có sức kích thích vị giác như xanh lá, cam hay đỏ.
Quản lý nhà hàng nên chuẩn bị những mẫu thực đơn nhà hàng khác nhau để thay đổi theo mùa vừa để tạo sự mới lạ trong nhà hàng, vừa giúp tiết kiệm chi phí in ấn và tránh việc phải thiết kế nhiều loại thực đơn.
Một lưu ý nhỏ là khi các món ăn trong thực đơn có sự thay đổi, quản lý nhà hàng cũng nên thay luôn tờ bìa thực đơn nhà hàng. Việc này sẽ giúp thu hút sự chú ý của những khách hàng quen vào những món ăn mới, hoặc những món đã có trong menu nhưng họ chưa để ý đến.
Phần này, quản lý nhà hàng nên liệt kê món ăn của nhà hàng và giá từng món thật chuẩn xác để khách hàng dễ nhìn. Để menu trông hấp dẫn hơn, không nên để các món ăn có giá tương đương nhau. Bạn có thể thêm vào những món thông thường nhưng có giá thấp hơn trung bình, đồng thời, nâng giá một số món đặc biệt cao hơn trung bình chút ít. Như vậy, khách hàng sẽ có sự so sánh giá cả và quyết định phù hợp với túi tiền của họ.
Bạn cũng có thể làm thực đơn nhà hàng theo set ăn hoặc combo, vừa để cho thực khách dễ quyết định hơn, vừa cân bằng giá cả giữa các món ăn trong cùng một combo. Quản lý nhà hàng cũng có thể bán những set ăn đặc biệt vào thời gian cố định như thứ 3 trong tuần hoặc 14h chiều hàng ngày. Hãy chọn những giờ thấp điểm để nhà hàng không bị giảm doanh thu. Một số nhà hàng đang sử dụng mô hình này thành công có thể kể đến như Lotteria, KFC, các nhà hàng Nhật, Hàn.
Món ăn nên được mô tả càng chi tiết càng tốt. Nếu tên món ăn chỉ là “gà nướng”, thực khách sẽ không có ấn tượng về món ăn, cũng không biết rõ nguyên liệu của món gà nướng này. Tuy nhiên, nếu nó có tên là gà nướng mật ong, sẽ nhận được sự chú ý của khách hàng hơn.
Hãy mô tả ngắn gọn về món ăn để thực khách dễ hình dung về món ăn hơn. Phần mô tả này thường bao gồm các nguyên liệu và gia vị đặc biệt của món ăn. Lưu ý, bạn cũng có thể ghi những phần cần chú ý như món ăn có vị cay hơn những món khác trong thực đơn nhà hàng, món ăn chay, hay món ăn ít calo.
Đây là bước quan trọng tạo nên nét đặc sắc cho tổng thể thực đơn nhà hàng nói chung. Ở phần này, bạn cần tập trung vào font chữ, khoảng cách các lề giấy, khoảng cách giữa mỗi dòng. Quy tắc đầu tiên cần nhớ là không nên dùng quá 3 font chữ trên thực đơn, vì sẽ làm thực đơn rối mắt và chồng chéo nhau.
Độ dài các trang thực đơn nhà hàng phải tương xứng với nhau. Để tìm ra sự chênh lệch độ dài giữa các trang và xác định xem liệu có phần nào quá ngắn không bạn nên vẽ hình vuông xung quanh phần nội dung để so sánh phần chữ và những khoảng trống trong từng trang.
Hãy đánh số thứ tự các món ăn trong nhà hàng, nhưng những số này cần nối tiếp nhau một cách liền mạch cho dù ở những món khác nhau. Điều này sẽ giúp việc order món ăn của thực khách dễ hơn, họ có thể gọi món theo số thay vì phải gọi cả tên món ăn dài.
Phần thiết kế thực đơn nhà hàng và mô tả món ăn nên đơn giản và ngắn gọn. Bởi sự đơn giản nhưng tinh tế luôn được đánh giá cao hơn những thứ màu mè. Hơn nữa, thiết kế đơn giản dễ phù hợp với nội thất nhà hàng hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt thêm một mẫu thực đơn nhà hàng to nhưng cần phù hợp với phong cách nhà hàng. Những mẫu menu loại to này thường phổ biến ở các cửa hàng ăn nhanh, các quán cafe take away như Jolibee, dingtea…
Hình ảnh luôn có sức ảnh hưởng lớn đến thị giác khách hàng. Chắc hẳn thực khách sẽ có cảm giác thích thú và bị kích thích vị giác hơn khi nhìn vào hình ảnh món ăn đẹp so với những hình ảnh chụp bằng điện thoại hay do tay chụp nghiệp dư thực hiện.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của món ăn phụ thuộc vào chất lượng, hương vị và cách trình bày hơn là một bức hình đẹp. Do đó, để giữ chân khách hàng, bạn hãy đầu tư vào chất lượng món ăn, kết hợp với hình ảnh đẹp trên thực đơn nhà hàng nữa nhé.
Phần cuối cùng không kém phần quan trọng là soát lỗi và in thiết kế sau cùng. Bạn hãy cẩn thận xem lại thực đơn nhà hàng nhiều lần để tìm ra những lỗi sai về chính tả, font chữ, khoảng cách dòng, hay màu sắc để kịp sửa lại trước khi in. Hành động này sẽ giúp nhà hàng tiết kiệm được một khoản chi phí và thời gian không phải sửa và in lại.