Mọi người vẫn hay nói “gian thương bất phú”, nhưng không phải lời nói dối nào cũng có hại đúng không. Hãy biết dùng chút thủ thuật khi lên thực đơn nhà hàng, điều này sẽ làm khách hàng của bạn tò mò hơn về món ăn, và sẽ kích thích họ chi tiền nhiều hơn cho nhà hàng.
Hãy cùng Smart Goal khám phá những mẹo nhỏ để xây dựng một thực đơn thu hút khách hàng.
Có một sự thật mà ai cũng công nhận đó là người Việt có tâm lý sính ngoại rất cao. Bạn có thể thấy những gian hàng đồ Hàn, Nhật, Mỹ… rất đông khách mặc dù mức giá cũng không hề rẻ. Mọi người thường mặc định chất lượng của hàng ngoại nhập đều tốt hơn trong nước.
Bạn nên tận dụng tâm lý này khi thực hiện thiết kế thực đơn nhà hàng. Những cái tên ngoại quốc sẽ thu hút khách hàng hơn. Thử lấy một ví dụ, cơm rang thập cẩm và pealla Tây Ban Nha, bạn sẽ chọn món ăn nào đây? Một món ăn nhắm mắt cũng biết hương vị và một món ăn “nghe” có vẻ xa lạ, hẳn mọi người sẽ lựa chọn món pealla thôi.
Hơn thế, với một nhà hàng sang trọng việc đặt một cái tên mỹ miều, có hơi hướng “Tây hoá” sẽ phù hợp hơn so với một cái tên dân dã. Đặc biệt, những cái tên ngoại quốc này sẽ khiến thực khách dễ chấp nhận hơn một chút nếu như món ăn có không vừa miệng họ.
Bởi phần đông khách hàng không có cơ hội trải nghiệm hương vị gốc của món ăn, nên việc đặt tên ngoại quốc sẽ giúp bạn dễ dàng chữa cháy hơn khi họ phàn nàn về chất lượng đồ ăn. Điều này không có nghĩa là chúng tôi đồng tình khi bạn không cố gắng cải thiện chất lượng món ăn. Nếu bạn không thể làm được điều đó, thì nên sớm gạch món ăn ra khỏi thực đơn nhà hàng.
Cũng tương tự như trên, nhưng đối với những nhà hàng truyền thống nhưng lại thêm các món ăn có tên nước ngoài thì nghe chừng “không có tinh thần dân tộc” cho lắm. Và lúc này, khi bạn phải vận dụng tất cả vốn từ có thể. Hãy nghĩ ra một cái tên thật mỹ miều, bóng bẩy. Những cái tên như kiểu nem công chả phượng hẳn thu hút hơn nhiều món nem rán bình thường đúng không?
Nhìn chung con người khá tò mò, họ có thể ngại nguy hiểm nhưng sẽ không ngại thử món lạ. Vậy nên những cái tên bóng bẩy kia mang tính chất kích thích sự khám phá hơn, và khách hàng sẽ không ngần ngại chọn những món này. Một lý do khác mà chúng tôi đã đề cập phía trên, những cái tên bóng bẩy thì sẽ phù hợp hơn với không gian sang trọng của nhà hàng lớn.
Tôi biết rằng nhiều quản lý nhà hàng sẽ nói rằng như vậy là “treo đầu dê bán thịt chó”. Hãy chấp nhận điều này, kinh doanh nhà hàng không thể quá thật thà, bạn nên mưu mẹo hơn. Sẽ chẳng vấn đề gì nếu bạn phục vụ một món chất lượng cho khách hàng. Đó là lý do chũng tôi vẫn khuyên bạn nên tập trung cho giá trị cốt lõi nhất là chất lượng món ăn.
Hoặc nếu bạn thấy “cắn rứt lương tâm”, thì đây là lời khuyên cho những quản lý nhà hàng “lương thiện”. Bạn hãy sử dụng các từ đồng nghĩa khi gọi tên món ăn. Như chúng ta biết mỗi vùng miền có những từ ngữ địa phương cho một số khái niệm. Do đó, thay vì dùng từ thịt lợn hãy sửa thành thịt heo, ngô chiên nên gọi là bắp chiên hoặc ngược lại tuỳ vào phương ngữ nơi đặt nhà hàng của bạn.
Khi đọc một thực đơn với những hình ảnh món ăn bắt mắt, ai lại có thể cưỡng lại chứ. Hãy thêm những hình minh hoạ cho món ăn vào menu nhà hàng. Nhiều chủ kinh doanh khi thiết kế thực đơn nhà hàng thường tiết kiệm bằng cách chỉ liệt kê tên và giá món ăn mà thiếu đi phần minh hoạ. Hoặc không thì họ chỉ cho thêm một vài hình ảnh nhỏ không gây được sự chú ý.
Lý do bởi những nhà hàng có không gian nhỏ thì đồ nội thất cũng có cùng tỷ lệ. Những hình ảnh lớn trong thực đơn nhà hàng sẽ tăng kích thước của menu, chiếm khá nhiều diện tích trên một chiếc bàn cỡ nhỏ. Bạn có thể để nhân viên phục vụ mang thực đơn tới bàn phục vụ khi có khách hàng đến.
Một cách khác, hãy thiết kế một bảng menu lớn như trong các cửa hàng ăn nhanh. Vì không gian nhà hàng của bạn khá nhỏ, nên khách hàng có thể nhìn thấy thực đơn từ bất cứ góc nào.
Màu sắc cũng có ảnh hưởng rất lớn tới vị giác của con người. Mọi người cũng biết rằng cần phải thiết kế thực đơn nhà hàng đồng bộ với phong cách chung của nhà hàng. Những màu sắc đậm thường đem lại cảm giác sang trọng, tuy nhiên nếu bạn đem áp dụng điều này vào trong thiết kế thực đơn nhà hàng thật sự không được khuyến khích.
Bởi những màu sắc như đen, tím than thường bị mặc định là các màu sắc của thực phẩm có hại cho sức khoẻ, dễ biến chất. Đồng thời, màu xanh da trời cũng là màu sắc gây cảm giác chán ăn. Nếu nhà hàng của bạn chọn những tông màu này làm chủ đạo, hãy thiết kế những bìa bọc bên ngoài thực đơn là những màu sắc này hoặc tông màu bổ trợ để tạo cảm giác đồng nhất. Phần nội dung thực đơn nhà hàng bên trong bạn có thể thay bằng những màu sắc kích thích vị giác hơn.
Màu đỏ và màu vàng được đánh giá là hai màu sắc kích thích vị giác và tăng cảm giác đói nhất. Đây cũng chính là lý do mà những thương hiệu đồ ăn nhanh rất ưa chuộng tông màu này. Vì vậy chẳng có lý do nào để bạn từ chối đưa những màu sắc này vào thực đơn nhà hàng.
Bên cạnh đó, nếu nhà hàng của bạn tập trung phục vụ những món chay, đồ ăn tốt cho sức khoẻ hãy sử dụng màu xanh lục. Sở dĩ như vậy, bởi các “thực phẩm an toàn” thường có màu xanh lục, ví dụ táo, dưa chuột. Do đó, khi nhìn màu xanh lục con người thường có xu hướng đánh giá sản phẩm đó có lợi cho sức khoẻ.
Thực đơn với tông màu trắng sẽ có lợi khi nhà hàng của bạn phục vụ những món ăn vặt, đồ chiên xào dầu mỡ. Đơn giản vì màu sắc này khiến chúng ta quên đi hàm lượng calo ẩn chứa trong món ăn. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bạn nên giữ mẫu thực đơn nhà hàng kiểu này luôn sạch sẽ bởi gam màu này rất dễ bám bẩn.