Khách hàng ngày nay đến nhà hàng không chỉ để thưởng thức những món ăn ngon và những dịch vụ phục vụ kèm theo. Họ còn muốn đắm chìm trong những không gian nhà hàng được thiết kế tinh tế nhưng không kém phần thoải mái cho không gian riêng của thực khách. Song, những chi tiết tưởng như rất nhỏ lại khiến khách hàng cảm thấy không hài lòng. Những chi tiết đó là gì? Hãy cùng Smart Goal phân tích nhé.
Nhiều nhà hàng được trau chuốt trong thiết kế nhưng sẽ vẫn có những điểm không hoàn hảo, đó là luôn có một chiếc bàn ở vị trí xấu. Và đó là khu vực khách hàng không muốn lựa chọn nhất. Những vị trí xấu đó thường ở khu vực như: Bàn gần nhà vệ sinh, bàn gần lối ra vào, bàn gần sảnh trước khá bất tiện, bàn cạnh góc gần quầy thu ngân. Thậm chí những dãy bàn ở chính giữa cũng không phải lựa chọn tốt với khách hàng.
Để khắc phục những vị trí xấu này, chủ kinh doanh nhà hàng có thể sử dụng các tấm vách ngăn (nếu nhà hàng đủ rộng) để phân chia các dãy bàn và tạo không gian riêng thoải mái cho khách. Còn nếu nhà hàng khá hẹp, bạn hãy chỉ kê hai dãy bàn, để lối đi lại rộng hơn, vừa tạo cảm không gian thoáng, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Với những chiếc bàn kê ở những vị trí xấu nêu trên, quản lý nhà hàng hãy tận dụng làm khu trang trí hay để vật dụng. Ví dụ như bạn có thể bày biện một lọ hoa tươi vừa đẹp mắt, vừa mang đến một cảm giác đặc biệt khi khách bước chân vào nhà hàng của bạn. Hoặc bạn cũng có thể tận dụng những vị trí thừa đó làm khu vực chờ thức ăn thay vì đặt chúng trong phòng ăn.
Cách để phát hiện ra những chi tiết thừa trong thiết kế nhà hàng chính là chủ nhà hàng hãy trực tiếp ngồi thử ở tất cả các vị trí để hiểu rõ khách hàng cảm nhận như thế nào về khu vực này, ngồi ở đây họ sẽ quan sát được những gì, lối đi lại có thuận tiện không, khoảng cách các bàn đã vừa đủ chưa, khách hàng có gặp bất tiện gì khi ngồi ăn tại vị trí này…
Thiết kế nhà hàng thành công cần đạt được sự cân bằng giữa sức chứa của nhà hàng với môi trường rộng mở. Hay nói cụ thể, chủ kinh doanh nhà hàng muốn sắp xếp được nhiều bàn, nâng sức chứa của nhà hàng lên nhưng vẫn cần chú ý đến sự thoải mái của thực khách. Họ có hài lòng thì mới quay lại nhà hàng những lần tiếp sau. Điều này cũng cần phụ thuộc vào quy mô nhà hàng. Thông thường những nhà hàng nhỏ, quán ăn bình dân thường chú trọng vào sức chứa hơn, trong khi những nhà hàng sang trọng lại quan tâm rất kỹ đến thiết kế và nội thất.
Ngoài ra những chi tiết nhỏ cũng cần lưu ý cho phù hợp với cảnh quan nhà hàng. Ví dụ, một nhà hàng bít tết theo phong cách món Âu cho người Việt có quy mô trung cấp, mọi chi tiết đều khá hài hòa chỉ duy nhất điểm trừ là họ sử dụng cốc nhựa, những chiếc khay đựng bằng nhựa tạo cảm giác không chuyên nghiệp. Quản lý nhà hàng hãy lưu ý đến những điểm nhỏ này. Vì khách hàng sẽ đánh giá và xếp hạng sao cho nhà hàng của bạn thông qua những chi tiết rất nhỏ này đấy.
Âm nhạc cũng là một phần cần lưu ý trong thiết kế nhà hàng. Giống như những chi tiết trang trí trong nhà hàng (khăn trải bàn, ghế ngồi, lọ hoa, tranh treo tường) âm nhạc sẽ mang lại những hiệu ứng tương tự. Tất nhiên, việc lựa chọn âm nhạc cũng tùy vào phong cách thiết kế nhà hàng, quy mô và đối tượng khách hàng chính.
Nếu nhà hàng của bạn chuyên phục vụ giới trẻ thì những bản nhạc hiện hành, những ca khúc nhạc pop trẻ trung sẽ rất hợp lý. Ngược lại những nhà hàng sang trọng thường chọn nhạc không lời hoặc nhạc spa mang đến cảm giác thư giãn cho khách hàng. Với những quán ăn bình dân, việc mở các kênh giải trí cũng là một lựa chọn hiệu quả. Nhạc sống là một thể loại âm nhạc màn lại hiệu ứng khá cao cho nhà hàng. Một nhóm nhạc hay có thể thu hút khách hàng hơn cả món ngon trên bàn. Nhà hàng bạn có thể tìm hiểu về hình thức này nếu đủ điều kiện kinh tế.
Một trong những yếu tố quan trọng và tốn kém trong nhà hàng chính là hệ thống điều hòa và thông gió. Khu bếp là nơi tỏa ra nhiều nhiệt lượng và trộn đủ thứ mùi và khói. Bởi vậy, chủ kinh doanh nhà hàng cần quan tâm mạnh đến hệ thống thông gió, hút mùi để tránh mùi thức ăn bám vào các chi tiết vải trong nhà hàng, và thật không hay khi mùi khói ám vào quần áo, đầu tóc của khách hàng.
Khi thiết kế nhà hàng, chủ kinh doanh cũng cần lưu ý đến việc lắp đặt hệ thống điều hòa, tốt nhất là loại điều hòa hai chiều thỏa mãn làm lạnh và làm ấm. Không một khách hàng nào muốn đến thưởng thức đồ ăn tại một nhà hàng quá nóng vào mùa hè và lạnh lẽo vào mùa đông. Họ sẽ không thấy thoải mái và đánh giá không tốt về nhà hàng bạn. Chủ kinh doanh nhà hàng có thể tiết kiệm khoản này nhưng cuối cùng việc mất doanh số bán hàng chỉ vì hệ thống điều hòa và thông gió kém hiệu quả có thể sẽ còn khiến bạn tốn kém hơn.
Khi thiết kế không gian nhà hàng không thể thiếu việc xây dựng nhà vệ sinh. Rất nhiều khách hàng đánh giá và cho điểm nhà hàng phụ thuộc vào nhà vệ sinh của nhà hàng đấy. Khách hàng sẽ có suy nghĩ nhà vệ sinh sạch sẽ đồng nghĩa với việc họ đã lựa chọn được một nhà hàng sạch cho bữa ăn của mình và thật không lãng phí số tiền bỏ ra. Với nhà vệ sinh bẩn họ sẽ có suy nghĩ ngược lại.
Nhà vệ sinh cần phải được kiểm tra thường xuyên sau mỗi ca trực (hoặc thậm chí nhiều hơn nếu nhà hàng đông khách). Quản lý nên phân công một nhân viên phục vụ chuyên trách việc để giấy vào nhà vệ sinh, nước rửa tay, khăn lau tay cho khách hàng và đổ rác trong nhà vệ sinh thường xuyên. Nhà vệ sinh cũng nên đặt ở vị trí riêng biệt, tốt nhất nên tránh xa khu bếp và khu ăn uống.